Thuốc an thần chưa chắc… an toàn

Ít ai ngờ loại thuốc đang gây thâm hụt trầm trọng ngân sách của các hãng bảo hiểm y tế ở châu Âu là thuốc an thần! Nhiều y sĩ đoàn bên trời Tây thậm chí phải liên hồi gióng cao tiếng chuông báo động vì không dưới 1/5 cư dân ở Âu châu đang luân phiên xin thuốc an thần.

Ít ai ngờ loại thuốc đang gây thâm hụt trầm trọng ngân sách của các hãng bảo hiểm y tế ở châu Âu là thuốc an thần! Nhiều y sĩ đoàn bên trời Tây thậm chí phải liên hồi gióng cao tiếng chuông báo động vì không dưới 1/5 cư dân ở Âu châu đang luân phiên xin thuốc an thần.

Tuy nhiên cũng phải thông cảm cho người bệnh vì với cuộc sống căng thẳng như hiện nay nếu đêm nào cũng ngủ ngon mới là chuyện lạ. Đó là chưa kể đến con số bệnh nhân trầm uất cần ngủ yên hơn cần nước uống. Thầy thuốc quả thật khó từ chối nếu người bệnh khẩn thiết xin ít viên thuốc an thần để sáng mai còn đủ sức kéo cày cho trọn kiếp trầm luân.

Kẹt nỗi là thầy thuốc đang đối đầu với một thực tế phức tạp. Đó là bệnh nhân trước mất ngủ, sau… mất hết vì thuốc an thần. Lạm dụng thuốc an thần rõ ràng là cửa ngõ dẫn đến tình trạng trầm uất. Tệ hơn nữa là khi thầy thuốc dùng thuốc an thần để điều trị trầm uất vì sớm muộn cũng tiền mất tật mang do độc tính của thuốc. Thuốc ngủ phải có hại đến mức nhiều y sĩ đoàn trên thế giới chỉ cho phép thầy thuốc biên toa trong trường hợp tối cần thiết, khi không còn giải pháp nào khác, khi người bệnh phải ngủ bằng được vì mục tiêu điều trị, chẳng hạn vì suy tim, động kinh… Ngay cả trong trường hợp cần kê toa, thầy thuốc cũng tìm cách giảm thuốc hóa chất càng sớm càng tốt và thay thế bằng dược thảo. Đi xa hơn nũa, y sĩ đoàn ở Hoa Kỳ, Đức, Anh- nơi chắc chắn không thiếu thuốc an thần, thậm chí khuyến khích ưu tiên sử dụng các liệu pháp không cần dùng thuốc như thiền định, châm cứu..., thay vì dùng thuốc ngủ như thuốc cảm theo kiểu hễ khó ngủ là uống. Đừng quên là kết quả nghiên cứu gần đây, tỷ lệ người dùng thuốc ngủ bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cao gấp đôi số nạn nhân không lệ thuộc thuốc. Gọi là an thần nhưng thuốc không mấy khi an toàn.

Người dùng thuốc ngủ quá, thường không thể tránh hậu quả của thuốc vì:

- Sớm muộn cũng lệ thuộc thuốc nếu không được điều trị theo nguyên nhân mà theo kiểu khách hàng là thượng đế nên muốn sao được vậy;

- Bao giờ cũng phải tăng dần liều lượng hoặc thậm chí đổi thuốc khác mạnh hơn nếu muốn ngủ bằng được, nghĩa là vui vẻ bỏ tiền mua thuốc độc hơn;

- Thuốc an thần nào bằng hóa chất tổng hợp cũng có phản ứng phụ bất lợi. Rất thường khi người bệnh cuối cùng mất ngủ trầm trọng không vì nguyên nhân ban đầu, cũng không vì thiếu thuốc, mà do độc tính tích lũy của thuốc an thần đã dùng trước đó.

Mất ngủ, trong đa số trường hợp, là hậu quả của một căn bệnh giấu mặt nào đó, như thiếu máu, suy dinh dưỡng, mãn kinh... Chữa bệnh mất ngủ mà không chữa tận gốc, nắm chắc tiền mất tật mang. Trên nguyên tắc, chỉ cần đáp ứng vài điều kiện không quá phức tạp, trung khu điều hành giấc ngủ phát tín hiệu khởi động giấc ngủ với chất lượng như mong muốn. Đó là đừng để cơ thể thiếu:

- Dưỡng khí khiến hệ thần kinh khó vận hành xuôi chèo mát máy;

- Năng lượng chuyển tải để dẫn truyền thần kinh đừng khựng lại giữa đường;
 
- Sinh tố chống trầm uất như B6 để không còn quá lo lắng khi tắt đèn đi ngủ;

- Khoáng tố đại lượng như Canxi để trấn an cảm thụ thần kinh trong lúc chợp mắt;

- Khoáng tố vi lượng như Kẽm nhằm tạo cảm giác lạc quan lúc đặt lưng lên giường;

- Chất đạm Tryptophan để cơ thể chuyển hóa thành Serotonin, nội tiết tố quyết định cho giấc ngủ yên bình với nhiều giấc mộng an lành.

Thuốc nào nếu lạm dụng đều là thuốc độc. Thuốc ngủ, ngay cả trong trường hợp đúng chỉ định, chỉ nên dùng nếu bất khả kháng. Tại sao lại không chọn giải pháp an toàn cho dù phải kiên nhẫn ít ngày, thay vì chỉ trông mong vào tác dụng đánh nhanh đánh mạnh nhưng đánh đau điếng của hóa chất tổng hợp?

BÁC SĨ LƯƠNG LỄ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục