Tiền lệ tốt là các chuyến xuất ngoại của Ngô Văn Kiều (nam), Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trần Thị Thanh Thúy, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Kim Liên (nữ) đã mở ra một hướng mới trong hoạch định phát triển của các đội bóng Việt Nam.
Thành ra, sự kiện chủ công Trần Thị Bích Thủy và phụ công Trịnh Thị Khánh (CLB Hóa chất Đức Giang Hà Nội) cùng đầu quân cho Air Force chơi ở giải vô địch Thái Lan mùa tới chỉ càng khiến người ta phấn khích và cảm thấy hãnh diện hơn, bởi lẽ xưa nay bóng chuyền Việt Nam thường mời VĐV nước ngoài sang thi đấu chứ chưa có thói quen “xuất khẩu” VĐV của mình.
Hầu hết các gương mặt xuất sắc của bóng chuyền Việt Nam khi chơi bóng ở xứ người đều thể hiện được tài năng và phẩm chất chuyên môn của mình. Ngọc Hoa từng cùng Bangkok Glass (tiền thân của Air Force) giành ngôi vô địch châu Á, trở thành VĐV bóng chuyền đầu tiên của Việt Nam có được chiến tích này. Chủ công Thanh Thúy chính là mũi tấn công hay nhất trong màu áo Attack Line cũng như tại giải vô địch Đài Bắc - Trung Hoa mùa giải năm ngoái…
Cho nên, sau giai đoạn tỏa sáng của các đàn chị, giới làm nghề lại kỳ vọng Bích Thủy và Trịnh Thị Khánh có thể tiếp bước gìn giữ hình ảnh cho bóng chuyền Việt Nam. Đối với 2 VĐV còn trẻ này (Thủy sinh năm 2000, Khánh sinh năm 1997), được thử sức và rèn luyện bản lĩnh ở giải đấu hàng đầu Đông Nam Á rất có lợi cho CLB chủ quản cũng như cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sau này.
Thể thao Việt Nam nói chung và môn bóng chuyền nói riêng đang trên đà hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa, và dẫu vẫn còn nhiều khiếm khuyết thì việc ngày càng có nhiều CLB nước ngoài để ý và mời chào VĐV sang thi đấu có thể xem là động lực thúc đẩy sự phát triển, đồng thời giúp các doanh nghiệp, địa phương mạnh dạn hơn với việc đầu tư của mình.
Cầu lông Việt Nam vài năm trước từng rất hào hứng khi cặp tay vợt số 1 Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang cùng được mời đi thi đấu ở nước ngoài. Xe đạp có nữ VĐV Nguyễn Thị Thật thi đấu tại Thuỵ Sĩ. Bóng đá thì khỏi nói, chính là môn thể thao đầu tiên “xuất khẩu” cầu thủ (cựu thủ quân tuyển Việt Nam là Lê Huỳnh Đức đã chơi bóng tại Trung Quốc; sau đó là các trường hợp được mời khác là Nguyễn Việt Thắng, Lê Công Vinh được chơi bóng tại Bồ Đào Nha và Nhật Bản; tiền vệ Lương Xuân Trường sang Hàn Quốc; tiền đạo Nguyễn Công Phượng đến Nhật Bản…), đã khơi dậy một thói quen “xuất khẩu” VĐV thực sự của thể thao Việt Nam…