Khi niềm tin sứt mẻ

Khi niềm tin sứt mẻ

Claudio Sulser là một cựu cầu thủ của Thụy Sĩ, một luật sư và nay đang phụ trách Ủy ban đạo đức của FIFA. Với vẻ chua chát, ông nhìn nhận: “Bây giờ, hễ khi một ai đó nói về FIFA thì thường là có thái độ tiêu cực. Người ta chỉ thích nói đến tham nhũng, hối lộ khi đề cập tới FIFA”.

Đó là một sự đau xót đối với uy tín của tổ chức lãnh đạo bóng đá thế giới. Đó là căn nguyên của một tâm trạng nghi ngờ rất khó tránh khỏi ở những ứng cử viên không giành được quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022. Hôm qua, việc bỏ phiếu chọn 2 quốc gia tổ chức 2 kỳ World Cup ấy có thể đã diễn ra một cách lớp lang, trịnh trọng, “đúng điều lệ”. Nhưng lớp lang thì lớp lang và điều lệ thì điều lệ. Với đủ thứ lời cáo buộc về chuyện bán phiếu, chuyện hối lộ, chuyện tuồn vé ra chợ đen mà một loạt ủy viên FIFA đã hứng chịu, dễ còn được mấy ai 100% tin tưởng vào sự công tâm và công bằng trong các lá phiếu hôm qua của FIFA?!

Trong tình cảnh này, Chủ tịch Sepp Blatter ít nhất cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Từ trước đến nay, Blatter luôn khẳng định không tiền nào mua được ông. Đúng như thế, vì chưa có bất cứ bằng chứng nào chống lại điều đó. Nhưng Blatter đang ngự trị một tổ chức đã từ lâu vươn mình thành một đế chế mà ở đó, sự lớn mạnh về tầm ảnh hưởng toàn cầu cũng như về mãnh lực tài chính của FIFA đang đi đôi với một loạt dấu hỏi khó chịu về sự liêm chính của nó.

Chúng ta đang nói về cáo buộc của giới truyền thông và cách đáp trả của FIFA vậy! Khi phóng viên của báo Sunday Times (Anh) giả làm chuyên gia vận động hành lang gạ mua phiếu World Cup, có 2 ủy viên FIFA đã cắn mồi. Thế là FIFA “treo giò” ngay 2 vị này. Nhưng 2 con sâu ấy đã làm rầu nồi canh. Nên khi đài BBC (Anh) nhồi thêm bằng một loạt cáo buộc về tội hối lộ nhằm vào 3 quan chức FIFA cao cấp, trong đó có một vị còn có chân trong Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), người ta càng thấy Chủ tịch IOC Jacques Rogge đã rất chí lý khi khuyên Blatter phải làm sao cho FIFA minh bạch hơn bằng cách “trong sạch hóa càng toàn diện càng tốt”.

Để đáp lại BBC, FIFA tuyên bố trường hợp điều tra này “đã đóng hẳn lại rồi”, chẳng việc gì phải giở ra thêm. Để đáp lại Jacques Rogge, thái độ của ông Blatter là một sự lảng tránh, phớt lờ. Đáng nói hơn, khi các quốc gia tranh quyền tổ chức World Cup 2018-2022 vì lo lắng mà đề nghị FIFA nên tổ chức công khai tiến trình bỏ phiếu chọn địa điểm tổ chức, Sepp Blatter dửng dưng đáp lại: “Không, làm ơn đi, hãy suy nghĩ thực tế!”. Nghe cái “thực tế” ấy của vị Chủ tịch FIFA, quả thật không còn biết nói sao bây giờ!

Niềm tin và uy tín là những thứ rất khó xây dựng nhưng lại dễ bị đánh mất mau chóng - và thực sự là nó đang mất đi nhanh chóng trong một thời gian quá ngắn. Đừng tự hào nữa làm gì về chuyện triều đại của Blatter đã giúp FIFA giàu lên như thế nào (nghe đâu có hơn một tỷ USD trong két sắt), cũng đừng vỗ ngực nữa mà chi về những chuyện như “bóng đá làm công cụ hòa bình, hòa giải, hòa hợp” nếu những con người cai quản bóng đá thiếu thành thực, thiếu liêm khiết và thiếu tin cậy.

Bởi thế, xin nhắc lại những câu hỏi ở trên: Giữa lúc các quốc gia giành được quyền tổ chức World Cup 2018-2022 mở hội ăn mừng, những ứng cử viên thất bại làm sao tránh khỏi ấm ức với ý nghĩ rằng chưa chắc họ đã bị loại bởi những lá phiếu công bằng chính trực. Bình luận viên John Leicester của hãng thông tấn AP hôm qua đã viết: “Thay vì bác bỏ, FIFA nên khôn ngoan xem xét nhu cầu cải tổ tiến trình bỏ phiếu chọn địa điểm World Cup sao cho công khai và tin cậy. Vì cơ chế bây giờ là bỏ phiếu chọn cùng một lúc 2 quốc gia cho 2 kỳ World Cup, lần bỏ phiếu kế tiếp có sớm lắm cũng phải 2018. Tức là còn rất nhiều thời gian để cải tổ”.

Chúng ta có thể tiếp lời Leicester: Cải tổ thủ tục bỏ phiếu thực ra cũng chỉ là một phần. Rộng lớn hơn và quan trọng hơn là FIFA phải “trong sạch hóa càng toàn diện càng tốt”, đúng như lời vị Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế. Không thể để một ông ủy viên Tahiti hoặc một ông Nigeria nào nữa bị cáo giác bán phiếu World Cup, đừng để một ông Cameroon nào bị tố cáo nhận hối lộ, cũng đừng để một ông Trung Mỹ nào bị cáo buộc tuồn vé ra chợ đen. Vì một điều đơn giản: Không thể để niềm tin tồn tại ở trạng thái bị sứt mẻ.

Hưng Nguyên

>> Nga và Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022

>> Một lá phiếu bao nhiêu tiền?

>> Hoãn ngày bỏ phiếu?

>> 3 thành viên FIFA nhận hối lộ

>> Dư âm scandal của Đài BBC: Platini trấn an nước Anh

Tin cùng chuyên mục