> Thể thao Việt Nam cần sự đầu tư trọng điểm cho môn Olympic
Olympic Paris (Pháp) 2024 tới ngày 11-8 mới khép lại chương trình thi đấu. Đến lúc này, Thế vận hội năm nay chính thức ghi nhận 5 quốc gia của Đông Nam Á giành được huy chương là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore. Ba năm trước khi tham dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, thể thao của khu vực Đông Nam Á chỉ có 4 quốc gia giành huy chương là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines.
Hiện tại ở Olympic Paris (Pháp) 2024, thành tích của thể thao Indonesia giành được là ở cử tạ, leo núi thể thao (trong đó có HCV môn cử tạ tại hạng 73kg nam). Thành tích của thể thao Thái Lan có được ở môn taekwondo, cầu lông, cử tạ, boxing (trong đó có HCV môn taekwondo hạng 49kg nữ). Kết quả của thể thao Philippines đang có ở môn boxing, TDDC (trong đó có HCV môn TDDC). Thể thao Malaysia có huy chương ở môn cầu lông. Thể thao Singpaore có huy chương ở môn sailing.
So với kỳ Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, những môn mà các nền thể thao kể trên giành được không phải trong nhiều môn mới mà vẫn nằm số đông ở các môn truyền thống có thế mạnh của mình như với Thái Lan là boxing, taekwondo với Philippines là boxing với Indonesia là cử tạ còn Malaysia là cầu lông.
Thể thao Việt Nam đã không giành được huy chương nào trong 2 kỳ Olympic liên tiếp là Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 và Olympic Paris (Pháp) 2024.
Bài toán thế thao Việt Nam cần làm gì để thay đổi thành tích trong tương lai với đấu trường ASIAD và Olympic vẫn chờ các lời giải. Chúng ta đang tập trung phân tích cơ hội cho thể thao Việt Nam sẽ có thế mạnh nào ở trong 30 môn thuộc nhóm Olympic từ đó hướng vào nội dung, môn cụ để đầu tư trọng điểm. Các trường hợp cụ thể tại của thể thao Philipines trong tập trung chuyên biệt cho 1 cá nhân VĐV Carlos Yulo tập luyện môn TDDC để giành HCV ở Olympic Paris (Pháp) 2024 hay thể thao Thái Lan đầu tư mạnh mẽ nhất cho môn cầu lông rồi giành HCB tại Olympic lần này hoặc Singapore tập trung cho môn sailing nhằm tìm cơ hội thành tích để đã thành công tại Paris (Pháp)... là những ví dụ cụ thể mà nhà quản lý thể thao Việt Nam phải rút kinh nghiệm. Chúng ta đang xây dựng lại mục tiêu đầu tư hoạch định mục tiêu cụ thể sau Olympic Paris (Pháp) 2024.
Những so sánh về số lượng huy chương, thành tích thi đấu giữa nền thể thao Việt Nam trước các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tại từng đấu trường lớn từ SEA Games tới ASIAD và Olympic luôn được người hâm mộ thể thao Việt Nam, các nhà phân tích thể thao, chuyên gia tại Việt Nam đưa ra. Dĩ nhiên, con số phản ánh thực chất nhất kết quả thi đấu, năng lực của tuyển thủ thể thao Việt Nam tại mỗi cấp độ tranh tài. Điều cần thiết vẫn là sự đầu tư cho thể thao phải có gốc rễ, sự đồng bộ chứ không riêng chuyện nhân lực HLV, VĐV.
Trong Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao hướng tới năm 2030 với khẩu hiệu là nâng tầm ASIAD, khát vọng Olympic vào tháng 12-2023 lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu Cục TDTT là đơn vị trực tiếp quản lý, thực hiện các chương trình đầu tư phát triển thể thao thành tích cao phải đưa ra giải pháp để có đầu tư trọng điểm, có yếu tố đột phá, có yếu tố trọng tâm, đảm bảo được yếu tố nền tảng và giải pháp cơ sở trong nhiệm vụ thay đổi thành tích thể thao thành tích cao theo từng giai đoạn của những chu kỳ đầu tư. Vấn đề kinh phí thực hiện và cơ sở vật chất đưa vào phục vụ cho các đội tuyển thể thao quốc gia vẫn đang là bài toán khó. Năm 2022, ngân sách chi cho lĩnh vực hoạt động thể thao là hơn 1,242 tỷ đồng. Năm 2023, ngân sách mà lĩnh vực hoạt động thể thao được cấp để làm các nhiệm vụ là khoảng 893,345 tỷ đồng. Năm 2024, dự toán ngân sách dành cho lĩnh vực hoạt động thể thao được cấp là hởn 826,720 tỷ đồng.