> Đoàn thể thao Việt Nam chính thức kết thúc thi đấu Olympic 2024 nhưng không có huy chương
Bắt đầu làm lại từ đâu?
Đoàn thể thao Việt Nam không giành được huy chương Olympic Paris (Pháp) 2024. Chúng ta gặp áp lực trực tiếp trên bình diện chung ở châu Á bởi các quốc gia Thái Lan, Indonesia, Philippines đã giành được HCV tại Olympic Paris (Pháp) trong khi thể thao Malaysia có huy chương.
Nếu so sánh trực tiếp, thể thao Việt Nam không đạt được huy chương Olympic Paris (Pháp) 2024 nên không phải nền thể thao mạnh ở khu vực. Trước khi Olympic Paris (Pháp) 2024 diễn ra, mục tiêu cao nhất của thể thao Việt Nam là bảo toàn chỉ tiêu giành từ 12 tới 15 suất chính thức góp mặt. Chúng ta đạt kết quả cuối cùng là 14 suất trực tiếp, 2 suất đặc cách để có tổng 16 tuyển thủ dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Khi đã xác định được VĐV được dự Olympic Paris (Pháp) 2024, ngành thể thao giao nhiệm vụ trực tiếp từng bộ môn (Cục TDTT) và ban huấn luyện đội tuyển quốc gia có tuyển thủ Olympic thực hiện chương trình tập luyện trọng tâm, tập huấn chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi thi đấu thực tế, chúng ta đã ra tranh tài 18 nội dung ở 11 môn thể thao tại Olympic Paris (Pháp) 2024 nhưng không giành được huy chương.
Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 do Bộ VH-TT-DL chủ trì, Cục TDTT thực hiện tại tháng 12-2023 để nhấn mạnh nội dung tìm giải pháp nâng cao đào tạo, có lực lượng VĐV hướng tới giành huy chương ASIAD và Olympic. Hội nghị trên diễn ra khi chúng ta vừa kết thúc dự ASIAD 19. Khi đó, vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra (có các nhà cựu quản lý như Lâm Quang Thành, Nguyễn Hồng Minh) là tập trung đầu tư cho thể thao thành tích cao cần không dàn trải, xác định rõ mục tiêu, xác định môn trọng điểm.
Trước khi dự Olympic Paris (Pháp) 2024, nhà quản lý Cục TDTT đang làm việc để xây dựng Đề án đầu tư phát triển các môn thể thao ASIAD, Olympic hướng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Gần như, đó là một trong những bước đi quan trọng mà thể thao Việt Nam phải có để định hướng đầu tư vào thể thao thành tích cao nếu muốn đạt thành tích ASIAD, Olympic.
Phải chăng vì chúng ta quá kỳ vọng huy chương Olympic
Cục TDTT và Đoàn thể thao Việt Nam xác định sớm mục tiêu để dự Olympic Paris (Pháp) 2024 là phấn đấu có huy chương. Bản thân tất cả các bộ môn (Cục TDTT) có tuyển thủ đạt suất Olympic và nhà quản lý Cục TDTT báo cáo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL với dự báo cơ hội tranh được huy chương không cao. Môn bắn súng là môn có triển vọng nhất để tranh huy chương Olympic Paris (Pháp) 2024. Với 2 tuyển thủ Trịnh Thu Vinh (súng ngắn), Lê Thị Mộng Tuyền (súng trường), chuyên gia Park Chung-gun đã báo cáo lãnh đạo ngành để nhận mục tiêu cho mình là đạt huy chương dù nhà quản lý có dự báo để hiểu cơ hội không dễ dàng. Với môn bắn cung, 2 tuyển thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong nhận mục tiêu nỗ lực thi đấu hết khả năng. Trong môn cử tạ, ban huấn luyện kỳ vọng Trịnh Văn Vinh đạt khả năng cao nhất chứ không đặt ra mục tiêu thành tích huy chương cụ thể.
Từ đó nhận thấy, nhóm môn chủ lực mà thể thao Việt Nam tin tưởng nhất vẫn rất dè chừng khi đấu Olympic Paris (Pháp) 2024.
Khép lại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, ngành thể thao đã đưa ra các lý giải cho thất bại, không đạt được huy chương để xây dựng, làm lại. Điểm lớn nhất là trong tất cả các đấu trường thi đấu, HLV, VĐV của Việt Nam luôn được người hâm mộ quá kỳ vọng. Thể thao Việt Nam đứng trước áp lực phải ở nhóm 3 quốc gia dẫn đầu SEA Games, phải có trọng trách giành nhiều HCV ASIAD và có áp lực đạt đủ số suất chính thức dự Olympic, tranh huy chương Olympic. Nhưng nếu không tách biệt riêng từng đấu trường, tập trung đầu tư trọng điểm thì chúng ta vẫn mãi không thoát khỏi vòng quay là dự hết Đại hội này tới Đại hội khác mà không có thành tích cao nhất.
Nguồn lực là bài toán ngành thể thao vẫn tìm để gỡ khó. Chúng ta dự Olympic Paris (Pháp) 2024 ở 11 môn (xe đạp, điền kinh, bắn súng, bắn cung, cử tạ, rowing, canoeing, bơi, judo, boxing, cầu lông). Duy nhất môn bắn cung chưa có Liên đoàn hay Hiệp hội thể thao quốc gia. Các môn còn lại đều đã có. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư để VĐV tất cả 11 môn trên dự vòng loại Olympic rồi thi đấu Olympic Paris (Pháp) 2024 đều từ ngân sách mà Bộ VH-TT-DL cấp thường niên cho Cục TDTT theo quy định.
Olympic Paris (Pháp) 2024 là kỳ Thế vận hội đầu tiên mà thể thao Việt Nam tham dự khi đơn vị quản lý chuyên biệt về thể thao đã thay đổi mô hình từ Tổng cục TDTT xuống thành Cục TDTT.