Chia sẻ mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định: “Chúng tôi đang rà soát, sàng lọc lại danh sách VĐV để thực hiện danh sách mới các VĐV đầu tư trọng điểm, hướng cho mục tiêu năm 2018, sẽ có từ 90-100 VĐV được đưa vào danh sách”. Đây là tín hiệu tốt cho các môn thể thao quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới để tìm thành tích tại châu Á, thế giới.
Dĩ nhiên, không phải cứ đưa nhiều VĐV vào diện “trọng điểm” thì những người đó sẽ luôn mạnh mẽ. Sự đầu tư cần đúng phương pháp, thời gian và đủ sự chuẩn bị, cũng như cần chuyên gia y tế dinh dưỡng tham vấn, chứ không đơn thuần tăng tiền ăn là VĐV sẽ mạnh hơn. Được biết, số HLV được đưa vào danh sách nhận chế độ đặc thù để huấn luyện các tuyển thủ xuất sắc cũng sẽ nhiều hơn. Đầu năm 2017, Bộ VH-TT-DL phê duyệt danh sách ban đầu gồm 14 HLV, 55 VĐV hưởng chế độ dành cho những người xuất sắc (900.000 đồng/người/ngày/HLV và 800.000 đồng/người/ngày/VĐV). Sau đó, bổ sung thêm 2 HLV và 9 VĐV trong tháng 4.
Ông Phấn cho biết thêm: “Con số những VĐV trong danh sách mới sẽ được xem xét kỹ, vì số tuyển thủ lớn tuổi trong dự liệu không còn đủ khả năng tranh chấp thành tích cao tại Asiad 2018 và Olympic 2020, chúng ta sẽ thay thế bằng VĐV trẻ”.
Cách đầu tư dành cho các tuyển thủ lúc này hướng theo nhóm VĐV trọng tâm vào Asiad 2018, tranh vòng loại Olympic 2020. Trong nhóm này, số ít VĐV sẽ được đầu tư đặc biệt hoàn toàn hướng tới giành huy chương cao nhất chứ không chỉ có thành tích. Nhóm VĐV tiếp theo để chuẩn bị cho SEA Games 2019, 2021.
Với những kết quả đã đạt được, các môn như điền kinh, bơi lội, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng tiếp tục là mũi nhọn quan trọng ưu tiên số 1 của thể thao nước nhà. Một số chuyên gia đánh giá, qua SEA Games 29-2017, nhóm môn võ thuật của Việt Nam có triển vọng đạt thành tích tại Asiad 2018 ở một số nội dung. Dù vậy, lãnh đạo ngành vẫn thận trọng bày tỏ quan điểm, rằng mọi sự đầu tư phải chắc chắn từng bước chứ không dàn trải. Dự kiến trong tháng 10, danh sách khoảng 100 VĐV trọng điểm mới có thể được phê duyệt.