Thể thao Olympic kén khán giả

Ngoài khoảnh khắc lịch sử với tấm HCV cự ly 800m của Chhun Bunthorn vào chiều 11-5, khi có khoảng 50 người hâm mộ Campuchia ôm lấy nam vận động viên chủ nhà để ăn mừng chiến thắng, thì chẳng còn cơn sốt nào được tạo ra trên khán đài Techo Morodok trong 7 ngày tranh tài ở môn điền kinh.
Nguyễn Thị Oanh (dẫn đầu) đoạt HCV 10.000m nữ tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nguyễn Thị Oanh (dẫn đầu) đoạt HCV 10.000m nữ tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tương tự, môn bơi lội chỉ hút vài chục khán giả địa phương đến theo dõi và thưa dần đến cuối buổi. Thậm chí, thể dục dụng cụ còn “ế” hơn vì chỉ có lác đác vài người đến xem. Hầu hết những cổ động viên cuồng nhiệt ở 3 môn thi đấu này, nếu không phải là thành viên của các đoàn thể thao dự SEA Games 32, thì cũng là người thân và bạn bè của tuyển thủ đã lặn lội đường sá xa xôi đến Phnom Penh cổ vũ.

Bóng đá là “môn thể thao vua”, điều này được chúng tôi cảm nhận rõ qua những khán đài sôi động khi có đội bóng đá nam, nữ Campuchia thi đấu. Nhưng trong các kỳ đại hội thể thao, thì nhóm môn quan trọng của Olympic gồm điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ... mới nhận được sự chú ý nhất từ giới chuyên gia. Đó cũng là những môn tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển của một nền thể thao quốc gia.

Có nhiều lý do dẫn đến việc nhóm môn thuộc hệ thống Olympic kén khán giả Campuchia. Một phần vì khu liên hợp thể thao quốc gia Techo Morodok - địa điểm tổ chức môn điền kinh và bơi lội - nằm cách xa trung tâm thủ đô đến hơn 20km. Khép lại ngày thi đấu cũng đã tối muộn, người hâm mộ gặp rất nhiều trở ngại trong việc tìm phương tiện di chuyển trở về nhà.

Điều này khác biệt với thể thao Việt Nam, khi điền kinh, bơi lội và thể dục dụng cụ được xem “mỏ vàng” SEA Games. Còn nhớ ở kỳ SEA Games 31 trên sân nhà, những khán đài ở sân vận động quốc gia, Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình và Nhà thi đấu Quần Ngựa được “nêm” kín khán giả đến theo dõi và cổ vũ cho các vận động viên tranh tài.

Không hút khán giả ở các môn Olympic, nhưng SEA Games 32 vẫn luôn “rực lửa” trên khán đài. Bên cạnh những trận bóng đá nam và nữ có đội chủ nhà tranh tài, thì những nhà thi đấu tổ chức các võ thuật, bóng rổ và bóng chuyền đông nghẹt khán giả Campuchia đến theo dõi. Họ cổ vũ cho vận động viên chủ nhà lẫn nước bạn bằng sự vô tư, hồn nhiên và để lại những hình ảnh ấn tượng về một kỳ SEA Games thân thiện, hiếu khách.

Tin cùng chuyên mục