Nga vẫn bị loại khỏi nhiều sự kiện thể thao quốc tế, nhưng điều đó có thể sẽ sớm thay đổi khi chiến sự tại Ukraine vẫn chưa biết khi nào kết thúc trong khi các đợt thi đấu vòng loại cho Thế vận hội Paris 2024 đang đến rất gần. Ngày 26-1, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) thông báo các VĐV Nga và Belarus có thể tranh tài tại Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) năm nay (tháng 10) với lời khẳng định: “Tất cả các VĐV, bất kể quốc tịch hay hộ chiếu, đều có thể tham gia các giải thi đấu thể thao”. Đề xuất trên được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết sẽ “tiếp tục thăm dò” khả năng đoàn VĐV Nga thi đấu tại Olympic 2024 dự kiến diễn ra tại Paris (Pháp) dù Ukraine kêu gọi cấm các Nga tham gia.
Về chuyên môn thì không có lý do gì để cấm VĐV Nga thêm nữa khi mà việc tẩy chay họ suốt 1 năm qua cũng không tác động gì đến tiến trình quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, nếu VĐV Nga trở lại thi đấu, thế giới thể thao phải giải quyết hai vấn đề chính đã trở nên rõ ràng: Làm thế nào để các VĐV Nga có thể trở lại mà không khiến người Ukraine từ chối tham gia chung. Và có thể làm gì với những VĐV Nga thể hiện lập trường ủng hộ chính phủ của họ?
Thực tế là khi xung đột mới bắt đầu, đội đấu kiếm Ukraine đã từ chối thi đấu với Nga tại một giải đấu ở Ai Cập, họ giơ cao tấm biển ghi: “Hãy ngăn chặn nước Nga! Dừng chiến tranh! Cứu Ukraine! Hãy cứu châu Âu!”. Một năm sau chắc chắn tình hình còn phức tạp hơn vì Ukraine tin rằng việc để VĐV Nga thi đấu sẽ là “chiến thắng tuyên truyền” của Nga, điều đó sẽ làm tổn thương VĐV Ukraine. Một số quốc gia châu Âu cũng đã lên tiếng sẵn sàng tẩy chay Paris 2024 nếu người Nga được phép tham gia.
Các cuộc tẩy chay Olympic lớn gần đây nhất diễn ra cách đây 4 thập kỷ khi Hoa Kỳ và hơn 60 đồng minh không dự Thế vận hội Moscow 1980. Liên Xô và các đồng minh đã trả đũa bằng cách tẩy chay Thế vận hội Los Angeles 1984.
VĐV Nga từng thi đấu dưới màu cờ trung lập của Ủy ban Olympic Nga như thời gian bị cấm vì scandal doping. |
IOC hiện cho biết họ sẽ không ủng hộ sự có mặt của các VĐV Nga nào từng thể hiện quan điểm ủng hộ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine. Vấn đề là IOC cũng chưa xác định điều đó có nghĩa là gì trong thực tế. Hồi tháng 3 năm ngoái, VĐV thể dục dụng cụ người Nga Ivan Kuliak đã dán biểu tượng chữ “Z” lên ngực, khi đứng trên bục cạnh người chiến thắng Ukraine tại một sự kiện ở Qatar. Anh này đã bị cấm trong một năm. Những sự cố liên quan đến từng cá nhân VĐV là rất khó đoán trước, trong khi với các môn thi đấu tập thể thì lệnh cấm vẫn còn hiệu lực.
Ngay cả việc các VĐV Nga thi đấu dưới màu cờ trung lập của Ủy ban Olympic Nga như thời gian họ bị cấm bị scandal doping, cũng rất khó giải quyết. Tuy nhiên, có trường hợp như tay vợt người Belarus Aryna Sabalenka vô địch Australia mở rộng tháng trước dù quần vợt Nga và Belarus bị loại khỏi các cuộc thi cấp đội tuyển như Davis Cup và Billie Jean King Cup.
Về phía Ukraine, họ kịch liệt phản đối khi cho biết hơn 220 VĐV của họ đã thiệt mạng trong một năm qua và hàng trăm cơ sở thể thao trở thành đống đổ nát. Ukraine chỉ ra những tiền lệ như việc từng loại Đức và Nhật Bản khỏi Thế vận hội 1948 sau Thế chiến thế giới II.
Trong khi người Nga gần như không thể thi đấu đỉnh cao suốt thời gian qua, thì các VĐV Ukraine đã đạt được một số thành công đáng chú ý trên đấu trường thế giới. Oleksandr Usyk, người đã cầm vũ khí bảo vệ Ukraine những ngày đầu cuộc chiến, đã trở lại với quyền anh và bảo vệ đai hạng nặng của mình trước Anthony Joshua vào tháng 8. Vận động viên nhảy cao Yaroslava Mahuchikh đã giành được HCB tại giải vô địch thế giới ở Oregon và Maryna Bekh-Romanchuk đã giành được danh hiệu nhảy 3 bước ở châu Âu. Giải VĐQG Ukraine tiếp tục thi đấu bình thường hồi tháng 8 năm ngoái, CLB Shakhtar Donetsk của họ vượt qua vòng bảng Champions League…
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, thời điểm tròn 1 năm cuộc xung đột, IOC đã không đề cập đến việc đưa Nga và Belarus trở lại nhưng cho biết Thế vận hội có thể thúc đẩy “sự cạnh tranh hòa bình” giữa các VĐV từ Triều Tiên và Hàn Quốc, hoặc Israel và Palestine. “Các nỗ lực xây dựng hòa bình cần được kết nối. Một cuộc thi đấu với các VĐV tôn trọng Hiến chương Olympic có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các cuộc đối thoại, vốn luôn là bước đầu tiên để đạt được hòa bình”.