Có đến 9 nội dung trong môn bơi mà các VĐV của Singapore chỉ về thứ tư, nghĩa là không thể bước lên để chào quốc kỳ tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19) ở Hàng Châu, Trung Quốc. Kết thúc môn bơi, đoàn Singapore chỉ có duy nhất một HCB của VĐV Teong Tzen Wei ở nội dung 50m bơi bướm nam.
1. Singapore là “cường quốc” bơi lội của khu vực Đông Nam Á, gần như đứng nhất ở môn này suốt từ SEA Games 1989 đến nay. Họ có nhà vô địch Olympic Joseph Schooling và tại kỳ Asiad gần nhất năm 2018, Singapore thắng đến 6 huy chương trong đó có 2 HCV của Schooling. Trong lịch sử Asiad, đội tuyển bơi lội của Singapore cũng đã có đến 12 HCV trong tổng số 62 huy chương các loại, đứng thứ tư trong số các cường quốc châu Á ở môn thi này.
VĐV Teong Tzen Wei trở thành kình ngư duy nhất giành huy chương cho bơi lội Singapore tại Asiad 19 |
“Tôi thật sự cảm thấy đau đớn”, VĐV Jonathan Tan, người về thứ tư ở 4 nội dung 50m tự do cá nhân và 3 nội dung đồng đội khác, đã thảng thốt nói về cảm giác của mình. Một thành viên khác là nữ VĐV Lettia Sim thì hụt chiếc HCĐ nội dung 200m bơi ngửa chỉ với 0,02 giây. Đó là một “tích tắc” ở các nội dung thi đấu tốc độ, nhưng nó lại quyết định đến việc được bước lên bục trao giải hoặc chẳng là gì cả. Cá nhân Sim phá đến 4 kỷ lục quốc gia Singapore tại Asiad lần này nhưng cô về thứ tư ở 2 nội dung thi của cá nhân mình.
Tại SEA Games 32 cách đây không lâu, đội tuyển bơi lội Singapore thể hiện sức mạnh thống trị với 22 HCV, chiếm đến 40% tổng số HCV mà đoàn thể thao nước này có được. Họ là quốc gia mạnh nhất ở Đông Nam Á, hiện nắm giữ đến 21 kỷ lục SEA Games, gấp đôi so với Việt Nam, quốc gia đang đứng thứ nhì trong danh sách kỷ lục ở môn bơi. Nhưng như đã nói, dù đã đưa đến lực lượng đông đảo thì kết quả của Singapore tại môn bơi Asiad 19 chỉ là 1 HCB và 2 suất dự Olympic 2024.
2. Ông Tan, Trưởng đoàn bơi lội Singapore nói về chuyện 9 lần về thứ tư của đoàn mình như sau: “Trước khi đến Trung Quốc, chúng tôi đã biết mình sẽ gặp khó khăn vì bơi lội châu Á hiện tại đã ở tốp đầu thế giới nên chất lượng thi đấu của Asiad chẳng kém gì Olympic. Tôi nói với các học trò của mình rằng, hãy lấy niềm vui bằng cách chinh phục các con số trong thi đấu, việc có huy chương hay không chỉ là phần thưởng. Vượt qua được bức tường của bản thân, đó mới là điều quan trọng nhất”.
Sự thất vọng của các nữ kình ngư Singapore ở đấu trường Asiad 19 |
Câu chuyện về đội tuyển bơi lội Singapore tại Asiad 19 cũng phản ảnh chung những vấn đề của thể thao Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, ở đấu trường châu lục. Một “cường quốc” ở khu vực như Singapore vậy mà vẫn chưa đạt đến một sự ổn định khi ra Asiad thi đấu, điều đó cho chúng ta hình dung một cách chân thực sự gian khó mà các VĐV phải đối diện trong nỗ lực vươn tầm.
Thể thao đỉnh cao không phải là vấn đề của những chiếc huy chương, mà là các con số khô khan, đầy tính khoa học. Chỉ 0,02 giây, mọi thứ đã khác biệt giữa thắng - thua. Bơi lội tại Singapore được xem là môn thể thao số 1, họ không bao giờ thiếu tài năng nhưng để có một Schooling thì Singapore đã mất đến 4 thập niên dự SEA Games, Asiad. Ngay trường hợp của Schooling thì cũng chưa hẳn là tài năng do Singapore đào tạo hoàn toàn, bởi phần lớn thời gian của kình ngư này là sống, học hành ở Mỹ, cường quốc bơi lội số 1 thế giới.
Chuyên sâu về môn thế mạnh, cũng đã vô cùng gian nan để vươn tầm châu lục, huống hồ gì việc phân tán đầu tư. Indonesia đã phải nhận bài học lớn ở môn cầu lông và pencak silat khi những môn mà họ từng thống trị châu Á này giờ không còn là thế mạnh của riêng họ nữa. Nếu không liên tục đầu tư, liên tục bồi đắp các thế hệ VĐV, thì sẽ chẳng còn có thể xem là thế mạnh được nữa.
Câu “thành công nằm trên hành trình chứ không phải đích đến” rất đúng với thể thao đỉnh cao và càng đúng hơn nếu chúng ta đặt mình trong tâm thế mà đoàn bơi lội Singapore đang có. 9 lần về hạng tư, tức là bức tường của bản thân vẫn còn ở đó, cần được tiếp tục tấn công để phá vỡ. Chỉ là những cái “tích tắc” nhưng đôi khi nó sẽ khiến mục tiêu thành tích không bao giờ đạt được. Vượt qua được nỗi ám ảnh ấy như thế nào, phụ thuộc hoàn toàn vào khao khát và cách tư duy phát triển của mỗi quốc gia.