Thắng bằng… cái đầu

Tam sư – Scotland 3-0

Chẳng những thắng bằng 1 cái đầu, Tam sư của Gareth Southgate đã thắng bằng đến 3 cái đầu, khiến cho tuyển Scotland của Gordon Strachan chấp nhận thua một cách rõ ràng và cam chịu.

Lần lượt là những cái đầu của Daniel Sturridge (phút thứ 24, từ đường căng ngang như kẻ chỉ của Kyle Walker), của Adam Lallana (phút thứ 50) và của trung vệ đang hồi sinh mãnh liệt trong sơ đồ 3-4-3 mà Antonio Conte dày công xây dựng ở Chelsea – đó là Gary Cahill (phút thứ 61, từ đường câu bóng khá đẹp mắt của Wayne Rooney, ấn định chiến thắng 3-0 hoành tráng), Tam sư đã củng cố ngôi đầu bảng F của Vòng loại World Cup 2018 – Khu vực châu Âu với chuỗi 4 trận bất bại, được 10 điểm (hơn đội xếp thứ nhì là Slovakia 2 điểm và vẫn chưa để lọt lưới bàn thua nào, ghi được 6 bàn).

Trước trận đấu, nhiều người đã dự liệu ra một kết cục khó khăn của thầy trò Southgate, khi Tam sư phải đối đầu với đối thủ “cổ xưa nhất” trong lịch sử, tuyển Scotland. Cuộc đối đầu giữa tuyển Anh và Scotland đã có từ năm 1872, khởi đầu bằng trận hòa 0-0 ở Partick – Scotland (thực chất, từ những năm 1870 – 1872, đã có 5 trận đấu diễn ra giữa 2 bên, nhưng đó đều là những trận đấu mang nặng tính giao lưu là chính, chứ chưa phải là giao hữu).

Kể từ đó cho đến nay, suốt 144 năm qua, 2 đội bóng của Anh và Scotland đã chạm mặt nhau 114 lần, với tuyển Anh thắng 48 trận, Scotland thắng 41 trận, còn lại là hòa. Có thể nói, dù không phải là một đội bóng mạnh, nhưng Scotland là một đại kình địch thường niên của tuyển Anh, và họ cũng là đội bóng thứ 2 mà tuyển Anh có được nhiều chiến thắng nhất, chỉ sau xứ Wales (tuyển Anh từng đánh bại xứ Wales đến 76 lần).

Thắng bằng… cái đầu ảnh 1

Niềm vui của Tam sư.

Scotland chưa bao giờ đạt tầm đẳng cấp như Tam sư, nhưng những cuộc đối đầu giữa 2 bên thường diễn ra rất cân bằng và căng thẳng, đó là vì nhiều yếu tố, trong đó có cả những giá trị mang tính lịch sử, địa lý và gần đây nhất là chính trị, xã hội. Thế nhưng, khi trận đấu mới trôi đi được chưa hơn phân nửa hiệp đấu, cú đánh đầu của Sturridge đã tháo một nút thắt canh cánh trong lòng của người Anh, khiến khán giả và HLV Southgate thở phào nhẹ nhõm. Tuyển Anh đã đánh bại tuyển Scotland ở một trong những cuộc đối đầu dễ dàng nhất trong lịch sử, ở bối cảnh mà niềm tin dành cho Tam sư đang bị bào mòn bởi những yếu tố như kết quả tệ hại ở EURO 2016, sự thay tướng đầy bất ngờ, và cả vì Southgate chưa bao giờ được xem như là một HLV tài năng và giàu lòng tự tin.

Có thể xem xét chiến thắng 3-0 của Tam sư ở nhiều khía cạnh. Nhưng rõ ràng nhất vẫn là, người Anh hơn người Scotland một cái đầu, cả về đẳng cấp lẫn cách tư duy trong bóng đá. Scotland, dù được xem như là đối thủ khó chịu nhất của tuyển Anh, gần đây đang chậm chân rất nhiều, trong khi những làng bóng đá khác trong khu vực, như Bắc Ailen, Iceland, xứ Wales đều có những bước tiến mạnh mẽ. Vì thế, thất bại của các học trò ông Strachan là có thể lý giải được trên bình diện chung.

Tuy nhiên, khi người ta chờ đợi một diễn biến khó khăn, mọi chuyện lại diễn ra quá dễ dàng, với Tam sư, chưa chắc đã là chuyện tốt. Việc tuyển Anh bị loại ở vòng đấu loại khi tranh vé dự các giải đấu lớn đã không còn lạ gì nữa. Việc họ thường xuyên chơi tệ hơn so với kỳ vọng ở EURO, ở World Cup cũng là chuyện bình thường. Thế nên, cái người ta cần, là một tuyển Anh được thử đủ lửa ở vòng loại, để nếu không đủ đẳng thì bị loại, mạnh thì giành vé dự vòng chung kết và chơi bùng nổ ở đây. Một kết cục quá dễ dàng và tiến trình thuận lợi dưới triều đại non trẻ của Southgate dễ khiến căn bệnh tự mãn (hay “tự sướng”) của người Anh, với cả giới hâm mộ, báo giới lẫn các cầu thủ, tái xuất hiện và điều đó sẽ lại nâng Tam sư lên một tầm cao mà thực chất, còn lâu họ mới có thể với tới.

Tuyển Anh, thực chất làng bóng đá Anh, đã hơn Scotland cả 1 cái đầu, hay thậm chí là 3 cái đầu như những gì vừa mới thể hiện, từ nhiều năm qua. Nhưng so với những nền bóng đá hiện đại của Đức, của Pháp… họ cũng lại thua người ta 1 cái đầu nốt.

NGUYỄN HUY VŨ