Sa từng có thời nổi tiếng chỉ sau mỗi Gustavo Kuerten – người Brazil từng 3 lần đăng quang Roland Garros. Khi anh đến với TPHCM (ở CLB Quần vợt Lan Anh) hồi năm 1998, để tham gia giải Việt Nam Challenger đời đầu, Sa đã tạo ra một hiệu ứng cực lớn với những CĐV quần vợt Việt Nam vốn thi thoảng chỉ được xem các trận đấu, các tay vợt nổi tiếng qua truyền hình do khoảng cách địa lý và sự kém phổ biến. Ở thời điểm đó, Sa đang xếp hạng 77 thế giới. Với những người dân mê quần vợt Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, được diện kiến một tay vợt thuộc tốp 100 ATP, “bằng xương bằng thịt”, là điều gì đó thật thi vị và tuyệt vời.
Đến với TPHCM, Sa cũng đã có kỷ niệm tuyệt vời đầu tiên trong sự nghiệp chơi bóng quần vợt chuyên nghiệp của mình – anh đã đăng quang ngôi vô địch sau khi đánh bại đối thủ người Costa Rica là Juan Antonio Marin với điểm số 6-3, 3-6 và 6-2 trong trận đấu chung kết. Chiến thắng diễn ra vào ngày 23-2-1998 đã mang lại cho Sa danh hiệu đẳng cấp Challenger đầu tay. Việt Nam – TPHCM đã kết nối với một sự nghiệp không hề xoàng xĩnh một chút nào như vậy đó.
Từ những bước đi ban đầu ở Việt Nam, Sa sau đó đã “bay xa và bay cao”. Dù chưa bao giờ giành được một danh hiệu đẳng cấp nào thuộc ATP World Tour (anh có 11 danh hiệu đẳng cấp Challenger trong sự nghiệp), nhưng Sa cũng từng lọt đến tứ kết của Wimbledon 2002 sau hàng loạt chiến thắng đáng nhớ trước Stefan Koubek (Áo, khi đó xếp hạng 31 thế giới), Feliciano Lopez (Tây Ban Nha, tay vợt vẫn đang thi đấu và được liệt vào danh sách những “hảo thủ” kỳ cựu của ATP tính cho đến thời điểm này)… trước khi dừng bước trước tay vợt số 1 nước Anh là Tim Henman (ở thời điểm đó, Henman đang là tay vợt hạng 4 thế giới).
Sau này, Sa “trở bộ”, chuyển sang đánh đôi và gặt hái được rất nhiều thành công đáng nhớ – có thể đơn cử như là HCV Pan American Games 1999 tại Winnipeg (Canada), lọt đến bán kết của Wimbledon 2007, tứ kết Australian Open 2004, tứ kết US Open 2007 và 2016. Trong sự nghiệp đánh đôi của mình, Sa đã giành được 11 danh hiệu và anh luôn nằm trong tốp 10 thế giới suốt 11 năm rưỡi qua.
Sau 25 năm lăn lộn với làng quần vợt thế giới, ở tuổi 40, Sa đã quyết định giải nghệ, sau khi đã “truyền lại tất cả các ngón nghề” cho “tiểu đệ tử” Thomaz Bellucci (tay vợt số 1 Brazil ở thời điểm hiện nay. Dù không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của một tay vợt chuyên nghiệp, nhưng Sa vẫn sẽ gắn kết với quần vợt. Cựu tay vợt từng hiện diện trong Hội đồng các tay vợt chuyên nghiệp của ATP trong giai đoạn từ năm 2012-2016 vừa được ITF đề nghị giữ trọng trách Cố vấn phụ trách quan hệ cho các tay vợt trẻ. Anh sẽ là cầu nối cho các tay vợt đang phát triển trong hệ thống ITF với BTC các giải đấu, các HLV và quan chức của ITF.
Đôi nét về Việt Nam Challenger “đời đầu”
_Còn có tên là Hồ Chí Minh City Challenger (gọi theo địa điểm tổ chức giải đấu) hay là Heineken Challenger (gọi theo tên nhà tài trợ ở vào thời điểm đó)
_Diễn ra từ năm 1998 – 2005 tại CLB Quần vợt Lan Anh (Quận 10, đường Cách Mạng Tháng 8), cho đến khi Heineken chuyển sang tổ chức một giải đấu có đẳng cấp cao hơn là Việt Nam Open (đẳng cấp International Series ở vào thời điểm đó), diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ.
_Việt Nam Challenger từng thu hút rất, rất nhiều tay vợt thành danh sau này, như Paradorn Srichapan (Thái Lan, tay vợt Đông Nam Á duy nhất từng lọt vào tốp 10 thế giới), Danai Udomchoke (Thái Lan, từng lọt vào tốp 100 thế giới), Rohan Bopanna (Ấn Độ, từng lọt vào tốp 3 thế giới đánh đôi) hay Alexandr Dolgopolov (Ucraina, đang nằm trong tốp 50 thế giới)…
*Ngày nay, Việt Nam Challenger được gọi là Việt Nam Open, diễn ra hàng năm tại CLB Quần vợt Lan Anh, Mikhail Youzhny (Nga, cựu tốp 10 thế giới, từng lọt đến bán kết US Open trong các năm 2006 và 2010) là nhà đương kim vô địch giải.