Số phận sinh ra ông như một vệt sao băng, vụt qua bầu trời với tia sáng chói lọi, để rồi nhanh chóng chìm vào bóng tối. Đó là những gì đơn giản nhất để nói về Salvatore "Toto" Schillaci, người vừa qua đời ở tuổi 59.
Trong sự nghiệp, "Toto" Schillaci chỉ ghi 7 bàn cho đội tuyển Italy, trong đó 6 bàn tới ở World Cup 1990. Đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của tiền đạo ấy. Nhưng "Toto" Schillaci chỉ cần 4 tuần để ghi dấu mãi vào lòng những người hâm mộ.
Người ta sẽ còn nhớ mãi ánh mắt chứa đầy khao khát và niềm vui trinh nguyên của "Toto" Schillaci khi ăn mừng bàn thắng. Cho tới tận bây giờ, ánh mắt ấy vẫn là hình ảnh mang tính biểu tượng về ý chí, khát khao của những người Italy.
Không có được vẻ hào hoa, lãng tử như những Roberto Baggio, Alessandro Nesta. Sự cuốn hút của anh có lẽ chỉ đến từ đôi mắt luôn rực sáng, đầy khát khao, máu lửa. Dù ở đâu, trong bất cứ lúc nào, ánh mắt ấy vẫn luôn chứa đựng nhiều quyết tâm, cháy lên đầy nồng nhiệt sau mỗi lần đưa bóng vào lưới đối thủ, như thể đó là lần cuối cùng anh làm được điều ấy. Ông không cao lớn, không phải là một cỗ máy ghi bàn như Luca Toni, không để lại nhiều tuyệt tác trên sân cỏ như Del Piero hay Francesco Totti. Schillaci đơn giản chỉ là một công nhân, chơi bóng dựa vào thể lực, dùng tốc độ để vượt qua đối thủ.
Người đàn ông ấy sinh ra trong cảnh nghèo đói giữa khu ổ chuột Palermo do mafia thống trị, nơi cha ông làm nghề thu gom rác, ông không được học hành chính quy nhưng luôn nói rằng bóng đá giúp tránh xa rắc rối. Hình ảnh một Schillaci đậm chất “công nhân” cũng đã vẽ lên được phần nào sự nghiệp. Ông khởi đầu với khoản tiền nhỏ 1,5 bảng Anh mỗi bàn thắng ghi được cho một đội bóng địa phương, Bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp ở Messina ở Serie C2. Bảy năm ở những giải đấu hạng thấp là một quãng thời gian rất dài đối với một cầu thủ luôn mong muốn vươn tới đỉnh cao. Trong suốt những năm ấy, ông luôn khao khát một lần được tận hưởng bầu không khí ở Serie A, trong màu áo một trong những câu lạc bộ lớn nhất của Calcio. Và rồi, sự chờ đợi ấy cũng đã kết thúc. Mùa hè năm 1989, Juventus đã gõ cửa Messina để đưa anh về với Delle Alpi. Ở tuổi 25, Salvatore Schillaci đã có lời chào với giải đấu cao nhất của bóng đá Italy.
Được khoác áo Juventus luôn là khát khao với nhiều chàng trai trẻ ở đất nước xứ sở của Spaghetti. Từ đây, khi ước mơ lớn nhất của mình đã đạt được, tài năng của tiền đạo sinh ra ở Palermo đã có cơ hội được nở rộ. Schillaci đã ghi 21 bàn cho Juventus trong mùa giải 1989-90 trong khi giành chức vô địch UEFA Cup và Coppa Italia. Nó giúp ông có một suất trong đội tuyển Italy của Azeglio Vicini. Ở tuổi 25, thời khắc của ông đã đến.
Thực tế, trước World Cup 1990, "Toto" Schillaci đã thi đấu thành công ở Juventus nhưng ông vẫn chỉ là tiền đạo số 5 của Italy sau Gianluca Vialli, Roberto Mancini, Aldo Serena và Andrea Carnevale. Có nghĩa rằng, cơ hội ra sân của Schillaci gần như không có. Với chàng trai nghèo sinh ra tại Palermo, chỉ như vậy cũng là điều nằm ngoài mong đợi. Nhưng số phận còn trao cho "Toto" Schillaci nhiều hơn thế. Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup 1990, ông đã gây ấn tượng mạnh và được đánh giá cao hơn Mancini và Aldo Serena.
“Tôi được xếp ở vị trí cuối cùng trong đội hình nên tôi thậm chí không nghĩ mình sẽ ngồi dự bị, mà phải theo dõi trên khán đài” Schillaci chia sẻ vào năm 2014. Khi Vicini yêu cầu ông khởi động vào sân đấu với Áo, phản ứng đầu tiên của “Toto” là: “Ông đang nói đến tôi sao?”. Những gì sau đó đã là lịch sử. Schillaci ghi được sáu bàn thắng và là cầu thủ ngôi sao của đội tuyển Italy tại World Cup trên sân nhà, giúp Azzurri lọt vào bán kết. Tiền đạo từng chơi cho Inter Milan và Juventus đã giành giải Quả bóng vàng cho cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu và đứng thứ hai trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng châu Âu năm đó sau đội trưởng Lothar Matthäus của Đức, người đã giành chiến thắng tại World Cup 1990.
Sau kì World Cup nhiều kỉ niệm, sự nghiệp của Schillaci phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Những chấn thương đã ảnh hưởng rất nhiều, những giây phút tỏa sáng, ăn mừng sau mỗi bàn thắng cũng không còn xuất hiện nhiều nữa. Anh chỉ có thêm một lần ghi bàn trong màu áo Azzurri, trước khi thi đấu trận cuối cùng vào tháng 10 năm 1991. Trở về với Juventus, anh cũng chỉ gắn bó thêm hai năm, trước khi chuyển sang đến Giuseppe Meazza khoác áo Inter Milan. Thêm hai năm nữa, với chỉ 30 lần ra sân, và không để lại nhiều ấn tượng, Schillaci đã không còn là chính mình của bốn năm về trước. Năm 1994, người hùng một thời của đội tuyển Italia đã nói lời chia tay lục địa già, để sang Nhật Bản khoác áo Jubilo Iwata. Năm năm sau, ông tuyên bố giải nghệ. Phần cuối đời, như nhiều huyền thoại bóng đá Italy khác, “Toto” chọn cho mình đời sống yên bình để giữ trọn vẹn tình yêu cho bóng đá.
Thủ tướng Italy, bà Giorgia Meloni viết tri ân: “Một biểu tượng bóng đá đang rời xa chúng ta, một người đàn ông đã đi vào trái tim của người Italy. Xin cảm ơn vì những cảm xúc mà bạn đã mang lại cho chúng tôi, vì đã khiến chúng tôi mơ ước, ăn mừng, ôm ấp và vẫy cờ quốc gia. Chúc bạn lên đường bình an, nhà vô địch.” Trong khi đó, lời tri ân của giải đấu Serie A có đoạn: “:Ông ấy luôn muốn vươn tới đẳng cấp cao nhất trong bóng đá, không bao giờ thay đổi và ông ấy sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho nhiều trẻ em mơ ước được chơi ở Serie A”.
Người ta viết rằng, nếu lời bài hát “Nessun Dorma” của danh ca Luciano Pavarotti là nhạc nền của Serie A, thì những bức ảnh về màn ăn mừng bàn thắng với đôi mắt hoang dại của Schillaci sẽ chứng minh hình ảnh trường tồn của giải đấu.