Trịnh Thu Vinh chỉ đứng thứ 4 ở nội dung súng ngắn hơi 10m, còn Nguyễn Thùy Linh thua trận đấu tranh suất đầu bảng để vào vòng 1/8 nội dung đơn nữ. Đây đều là những thành tích không tồi của cả 2 VĐV.
Với Trịnh Thu Vinh, cô thi đấu ở nội dung không phải thế mạnh, và cũng chỉ kém những VĐV đến từ Hàn Quốc, nơi đứng đầu thế giới ở môn bắn súng. Kết quả trên từng lượt bắn của xạ thủ Việt Nam cũng rất tốt nếu so với thành tích cá nhân của cô. Thế nhưng, ở lượt bắn quyết định tấm vé vào tốp 3 để tranh huy chương, như chính trưởng đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt đánh giá, thì áp lực tâm lý đã khiến cho Trịnh Thu Vinh không có những điểm số hoàn hảo dù cô vẫn bắn tốt.
Với tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh, cô để thua Beiwen Zhang mang quốc tịch Mỹ nhưng gốc lại là cựu VĐV của Trung Quốc - quốc gia số 1 ở môn cầu lông. Bản thân Beiwen Zhang lớn hơn Thùy Linh đến 7 tuổi và đang đứng hạng 11 thế giới, trong khi thứ hạng của Thùy Linh là 26.
Việc để thua Beiwen Zhang không có gì bất ngờ, đáng tiếc là Thùy Linh từng thắng Zhang hồi tháng 10 năm ngoái và trong trận tái đấu diễn ra hôm qua, Thùy Linh đánh hỏng rất nhiều, chủ yếu đến từ tâm lý không ổn định khi liên tục bị đối thủ dẫn trước ở cả 2 séc đấu.
Những vấn đề về bản lĩnh thi đấu của VĐV Việt Nam khi bước ra các đấu trường lớn như Asiad hay Olympic là không mới. Các áp lực về kỳ vọng cũng như bối cảnh thi đấu hoành tráng khiến thành tích cá nhân của chúng ta luôn kém hơn so với lúc tập luyện hay thi đấu trước đó.
Còn nếu có chiến thắng chung cuộc, thì thường nằm ngoài dự báo nhờ những phút thăng hoa về tinh thần. Về cơ bản, đây vẫn là điểm yếu lớn nhất của VĐV Việt Nam, kể cả với những người dày dạn kinh nghiệm.
Vì vậy, làm sao để VĐV có bản lĩnh thi đấu ở các đấu trường lớn, đó chính là thách thức rất lớn cho thể thao Việt Nam. Bởi nếu không giải được bài toán đó, cho dù có đoạt nhiều vé dự Olympic thì cơ may thành công cũng khó mà thay đổi.