Quỹ chiến lược thể thao quốc tế đồng hành, thể thao Việt Nam thêm nguồn lực đầu tư?

Quỹ chiến lược thể thao quốc tế đã chính thức công bố thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Olympic Việt Nam sau khi các bên kí biên bản ghi nhớ từ tháng 12 năm ngoái.
Ủy ban Olympic Việt Nam đã công bố thoả thuận với Quỹ chiến lược thể thao quốc tế ngay đầu năm 2023. Ảnh: VĂN DUY
Ủy ban Olympic Việt Nam đã công bố thoả thuận với Quỹ chiến lược thể thao quốc tế ngay đầu năm 2023. Ảnh: VĂN DUY

Thêm Quỹ đồng hành, thêm tự tin

Lễ công bố thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Olympic Việt Nam và Quỹ chiến lược thể thao quốc tế đã thực hiện ngày 1-2 tại trụ sở Tổng cục TDTT. Có thể xem, việc ngay đầu năm mới 2023, thể thao Việt Nam thêm sự gắn kết của một Quỹ từ quốc tế như vậy là tín hiệu mừng. Trước đó, các bên đã kí biên bản ghi nhớ vào ngày 6-12 năm ngoái tại Hàn Quốc.

“Sự hỗ trợ của Quỹ chiến lược thể thao quốc tế là một trong những cơ hội vàng cho thể thao chúng ta có thêm sự đầu tư qua đó phát triển tốt hơn trong chặng đường nâng cao thành tích đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Chúng tôi luôn tin tưởng sau khi có sự công bố thỏa thuận này thì thời gian tới Quỹ sẽ có thêm nhiều hoạt động để hỗ trợ đối với Ủy ban Olympic Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt bày tỏ. Một trong các nội dung của biên bản ghi nhớ giữa các bên đó là Quỹ chiến lược thể thao quốc tế sẽ hỗ trợ phong trào Olympic Việt Nam và thể thao Việt Nam cũng như hướng tới sẽ có chương trình đưa tuyển thủ Việt Nam ở một số môn thể thao tới Hàn Quốc tập huấn và ngược lại. Có sự trao đổi như vậy không ngoài việc tăng cường trao đổi học hỏi lẫn nhau khi thể thao quốc tế đang ngày càng hội nhập tại nhiều quốc gia và khu vực, châu lục.

Muốn được sự đầu tư, phải cần thực chất

100 VĐV xuất sắc của thể thao Việt Nam sẽ được Quỹ chiến lược thể thao quốc tế hỗ trợ đào tạo. Đây là điều mà chúng ta cũng rất chờ đợi. Tuy nhiên, dựa trên một bài toán đầu tư, muốn nhận được sự đầu tư hiệu quả để từ đó tiếp tục phát triển lâu dài thì quyền tự quyết là từ chất lượng chuyên môn của người làm thể thao Việt Nam cũng như các tuyển thủ.

Ở đây chắc chắn không phải là câu chuyện chúng ta sẽ được Quỹ đầu tư chiến lược thể thao quốc tế cấp cho một số tiền cụ thể rồi từ đó tự chi phí về đào tạo, đầu tư mà tất cả phải thực hiện theo các cam kết dựa trên kế hoạch, chiến lược cụ thể. Cũng có thể hiểu, để minh bạch về kinh phí đầu tư, Quỹ này sẽ là nơi có thể trực tiếp chi trả chi phí theo đúng các mốc thời gian và kết quả đào tạo đạt được.

Chủ tịch Quỹ chiến lược thể thao quốc tế Ryu Seung-min bày tỏ việc có mặt tại Việt Nam qua đó làm việc cùng Ủy ban Olympic và đại diện Bộ VH-TT-DL cùng đại diện Tổng cục TDTT từ đó các bên đạt được sự thống nhất trong nhiều nội dung hợp tác là tín hiệu tích cực. Vị chủ tịch của Quỹ này đã cam kết với Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam đồng thời là Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Mạnh Hùng sẽ hỗ trợ tuyển chọn các tuyển thủ có chuyên môn xuất sắc nhất trong các môn thể thao mà Hàn Quốc có thế mạnh từ đó tăng cường cơ hội đưa các tuyển thủ tới đất nước của Kim Chi tập huấn và có sự huấn luyện của chuyên gia thể thao Hàn Quốc.

Chúng ta đã bước vào năm 2023 với những mục tiêu quan trọng hướng tới SEA Games 32, ASIAD 19-2022, các giải vòng loại Olympic và một số Đại hội thể thao khác vì thế cột mốc thời gian khi nào Quỹ chiến lược thế thao quốc tế bắt đầu đồng hành cùng thể thao Việt Nam không được công bố chi tiết trước truyền thông cũng như con số kinh phí hỗ trợ đào tạo 100 VĐV xuất sắc không được thông báo chi tiết mà chỉ có trong biên bản thỏa thuận được giữ kín.

Dựa trên biên bản thỏa thuận giữa Quỹ chiến lược thể thao quốc tế và Ủy ban Olympic Việt Nam, công ty đối tác của Quỹ này đã kí biên bản với Ủy ban Olympic Việt Nam và công bố ngày 1-2 đó là treo thưởng 1 triệu USD cho 1 tấm HCV; 1 tấm HCB là 500 ngàn USD và 1 tấm HCĐ là 200 ngàn USD dành cho tuyển thủ thể thao Việt Nam nếu đạt kết quả huy chương tại Olympic Paris (Pháp) 2024.

Tin cùng chuyên mục