Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam sẽ ra đời

Nếu điều này hiện thực, đây là bước đổi mới của điền kinh Việt Nam trong thời gian tới và vấn đề này được nhiều người quan tâm.

Lê Tú Chinh là một trong những VĐV được chú ý thời gian qua khi đã rời TPHCM chuyển tới đơn vị Cà Mau. Ảnh: D.P
Lê Tú Chinh là một trong những VĐV được chú ý thời gian qua khi đã rời TPHCM chuyển tới đơn vị Cà Mau. Ảnh: D.P

> Chờ nhiều thay đổi của điền kinh Việt Nam năm 2025

Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam sẽ ra đời hay không? Và, nếu hiện thực, thời gian nào Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam thực thi? Đây là những câu hỏi và sự chờ đợi được người làm chuyên môn điền kinh cả nước thắc thỏm thời gian qua.

Giải đáp vấn đề này, Phó trưởng Phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định cụ thể: “Chắc chắn, Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam sẽ được hình thành và sẽ ra đời để áp dụng chính thức. Chúng tôi thảo luận vấn đề này với nhiều nội dung, xây dựng các nội dung dành cho chuyển nhượng VĐV để đưa ra trao đổi tại Đại hội đại biểu Liên đoàn điền kinh Việt Nam nhiệm kỳ mới diễn ra đầu năm 2025. Các nội dung được xây dựng để đưa ra trao đổi, ghi nhận thêm ý kiến đóng góp sự chia sẻ. Chứ chưa hẳn bây giờ mới đưa ý tưởng ra trao đổi rồi mới hướng tới bắt tay làm nội dung khung của Quy chế...”.

Thể thao Việt Nam ghi nhận một số môn đã ban hành và áp dụng Quy chế chuyển nhượng VĐV tại Việt Nam như bóng đá, bóng chuyền. Khi chuyển nhượng VĐV này có Quy chế cụ thể, những khúc mắc trong tranh chấp của VĐV phần nào được giải quyết. Đồng thời, muốn thực hiện chuyển nhượng, VĐV cũng cần hiểu rõ luật và biết nội dung của Quy chế để biết quyền lợi, trách nhiệm của mình.

Trong Điều 45 và Quyền và nghĩa vụ của VĐV chuyên nghiệp tại Luật TDTT ban hành năm 2006 đã ghi cụ thể: “VĐV chuyên nghiệp phải ký hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Quyền và nghĩa vụ của VĐV chuyên nghiệp được thực hiện theo hợp đồng lao động đã ký với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Hợp đồng lao động ký giữa VĐV chuyên nghiệp với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và phù hợp với quy định của tổ chức thể thao quốc tế tương ứng”. Theo đại diện Liên đoàn điền kinh Việt Nam, Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam là điều cần thiết trong sự phát triển của thể thao hiện đại. Khi điền kinh hướng tới chuyên nghiệp, việc chuyển nhượng thì quy định chuyển nhượng là yếu tố tất yếu phải ra đời và áp dụng chặt chẽ.

Dĩ nhiên các điều khoản, nội dung hướng dẫn đối với Quy chế chuyển nhượng trong lĩnh vực thể thao phải dựa trên các quy định, luật liên quan. Nhà quản lý Liên đoàn điền kinh cần nhiều thời gian, sẽ tham khảo nhiều văn bản của các môn thể thao đã có Quy chế chuyển nhượng VĐV và xây dựng cơ sở nội dung phù hợp nhất.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam là vấn đề được quan tâm nên phải ghi nhận các ý kiến đầy đủ, có phân tích kỹ trong thời gian xây dựng các nội dung.

Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã ban hành Quy chế và áp dụng Quy chế chuyển nhượng VĐV từ năm 2010. Không ít trường hợp chuyển nhượng cầu thủ đã xảy ra. Tuy thế, Quy chế chuyển nhượng đó được xem là thước đo để nhà quản lý dùng làm căn cứ phân xử khi tranh chấp không thể giảng hòa.

Làng điền kinh Việt Nam chứng kiến không ít trường hợp VĐV rời đơn vị cũ tới đơn vị mới nhưng không thể thi đấu đúng thời điểm như chờ đợi. Số đông VĐV, HLV điền kinh chuyên nghiệp tại Việt Nam lúc này do đơn vị chủ quản - là đơn vị hưởng ngân sách hoạt động – ký hợp đồng lao động, trả lương, thưởng theo quy định. Có thể, khi Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam ra đời, nhiều mô hình mới trong quản lý đầu tư điền kinh sẽ xuất hiện tạo thêm sự cạnh tranh chuyên môn.

Bài tiếp: Điền kinh Việt Nam nhắm mục tiêu nào tại SEA Games 33

Tin cùng chuyên mục