> Điền kinh Việt Nam tập trung kế hoạch cử VĐV tập tại Trung Quốc, Thái Lan
Trao đổi cụ thể, Phó trưởng Phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục TDTT) đồng thời là Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết từ năm 2025 các vấn đề về ràng buộc theo thời gian quy định giới hạn 24 tháng đối với những hợp đồng chuyển nhượng VĐV từ nơi cũ tới nơi mới sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Có thể hiểu cụ thể, sau khi chuyển tới đơn vị mới, VĐV vẫn bị giới hạn thời gian 24 tháng. Kết quả của họ tại giải vô địch quốc gia được công nhận chính thức sau 24 tháng. Tuy nhiên, Liên đoàn điền kinh Việt Nam và Ban tổ chức giải điền kinh quốc gia sẽ xem xét từng trường hợp cụ ra quyết định rút ngắn thời gian bị giới hạn để phù hợp thực tiễn.
“Việc tuân thủ Luật điền kinh thế giới và VĐV thực hiện quy định phải chấp nhận giới hạn thời gian 24 tháng sau khi chuyển nhượng tới đơn vị mới là điều vẫn bắt buộc. Nhưng trong từng trường hợp, nếu các đơn vị hoặc VĐV có ý kiến để xem xét chi tiết trường hợp của mình, chắc chắn Liên đoàn điền kinh sẽ xem xét và có thể giảm thời gian xuống 6 tháng hoặc 12 tháng chứ không phải 24 tháng. Bởi vì, có những trường hợp đơn vị và VĐV hết hợp đồng hoàn toàn, không còn ràng buộc, VĐV không xảy ra tranh chấp thì họ sẽ có quyền được thi đấu sớm để đảm bảo chuyên môn của mình. Nhưng trên hết, mỗi trường hợp chuyển nhượng khi đăng ký thi đấu đều phải có ý kiến cụ thể”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm.
Giải điền kinh vô địch quốc gia 2024 vừa qua là giải đầu tiên được Liên đoàn điền kinh Việt Nam nới lỏng hơn về quy định đó.
Một số đơn vị như Đồng Nai, Ninh Bình khi có ý kiến vào trường hợp cụ thể VĐV của mình là Huỳnh Thị Mỹ Tiên (100m rào nữ), Vũ Thị Ngọc Hà (nhảy xa nữ) đã được Liên đoàn điền kinh Việt Nam xem xét rồi giải quyết thấu đáo. VĐV được kết thúc sớm thời gian giới hạn, trở lại thi đấu có tính kết quả chuyên môn bình thường. Tại giải đấu trên, duy nhất 1 trường hợp, sau khi có ý kiến nhưng qua xem xét kỹ lưỡng thì Liên đoàn điền kinh Việt Nam chưa chấp thuận để VĐV được tính kết quả (thành tích chỉ để kiểm tra), là Lê Tú Chinh (Cà Mau).
Từ năm 2025, các giải điền kinh thuộc hệ thống quốc gia đều chấp nhận ý kiến của các đơn vị nhằm giải quyết thấu đáo, tạo cơ hội thi đấu cho VĐV.
Dự kiến, nhiều vấn đề chuyên môn, đặc biệt là công tác tổ chức giải đấu cùng quy định giúp HLV, VĐV điền kinh có quyền lợi hơn được đưa ra trao đổi tại Đại hội đại biểu Liên đoàn điền kinh Việt Nam nhiệm kỳ mới, khóa 8 trong đầu năm 2025. Chương trình mục tiêu phát triển điền kinh Việt Nam thành tích cao được nhắm mục tiêu trọng tâm sẽ được bàn thảo hoàn thiện.
Điền kinh là môn ghi nhận sự tham gia đông đảo nhất của các địa phương khi giải vô địch quốc gia được tổ chức (năm 2024 có 52 đơn vị tham gia). Nhiều giải điền kinh phong trào, marathon phong trào đã và đang diễn ra tại Việt Nam. Tuy thế, các quy chuẩn chưa được quy định. Liên đoàn điền kinh Việt Nam sẽ xây dựng một số quy chuẩn phù hợp và khi có sự đánh giá từ thực tiễn, phù hợp trong áp dụng là sẽ ban hành. Vấn đề trên cũng dự kiến đưa ra tại Đại hội đại biểu Liên đoàn điền kinh Việt Nam.
Bài tiếp: Quy chế chuyển nhượng điền kinh Việt Nam sẽ ra đời