Và đó còn là tấm huy chương vàng (HCV) danh giá ở đường chạy tốc độ nữ, nơi thuộc về sự thống trị của các chân chạy Jamaica từ năm 2004. Cô gái 23 tuổi này hoàn thành cú lao 100m trong 10 giây 72, vượt qua nhà vô địch thế giới Richardson (Mỹ).
Trong khi đó, tại nhà thi đấu môn thể dục dụng cụ, chàng trai đến từ Philippines là Carlos Yulo đã giành tấm HCV lịch sử cho đất nước mình và Đông Nam Á khi chiến thắng ở nội dung tự do nam. Carlos Yulo đạt 15.000 điểm, xếp trên nhà vô địch Tokyo 2020 Artem Dolgopya (Israel, 14.966 điểm).
VĐV Philippines hét lớn thể hiện niềm phấn khích trước các khán đài đông nghẹt ở nhà thi đấu Bercy khi trở thành người Philippines thứ hai giành HCV Olympic, sau nữ lực sĩ Hidilyn Diaz, người tạo nên kỳ tích tại Tokyo 2020. Carlos Yulo còn giúp Đông Nam Á có được tấm huy chương Olympic đầu tiên ở môn thể dục dụng cụ - vốn là 1 trong 9 môn thi đấu lâu đời nhất lịch sử Thế vận hội.
Mặc dù đây đều là những chiến thắng “gây sốc” nhưng lại không hoàn toàn bất ngờ. Julien Alfred đã rời St Lucia khi 15 tuổi để theo đuổi khao khát của mình sau khi cha của cô, qua đời năm 2013, tin rằng con gái mình có thể trở thành nhà vô địch thế giới ở môn thể thao này. Sau 3 năm được đào tạo căn bản ở Jamaica, cường quốc chạy tốc độ, năm 2018 Alfred nhận học bổng tại Đại học Texas và thi đấu trong đội điền kinh của trường này tại các giải đấu Mỹ và chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Tấm huy chương ở Paris 2024 là điểm kết thúc của cuộc hành trình hơn 10 năm rèn luyện ở 2 môi trường đẳng cấp nhất thế giới của đường chạy tốc độ.
Với Carlos Yulo cũng vậy. Chàng trai sinh năm 2000 ở Manila này bắt đầu tập thể dục dụng cụ từ năm 7 tuổi. Đến năm 2016, Yulo chấp nhận lời đề nghị từ Hiệp hội Olympic Nhật Bản để được đào tạo theo chương trình học bổng. Việc tập luyện ở một trong những nền thể thao hàng đầu thế giới giúp Yulo ngày càng thăng tiến. Tính đến nay, Yulo đã từng 2 lần vô địch thế giới, giành 10 HCV châu Á và 9 HCV SEA Games.
Trong khi đó, tay vợt Zheng Qinwen (Trung Quốc) cũng vừa gây choáng váng làng quần vợt thế giới khi đánh bại Donna Vekic (Croatia) 6-2, 6-3 ở trận chung kết đơn nữ, đồng thời trở thành tay vợt châu Á đầu tiên đoạt được HCV lịch sử ở nội dung cá nhân tại Olympic. Đây cũng là tấm HCV thứ 2 của quần vợt Trung Quốc tại các kỳ Olympic, sau kỳ tích của Li Ting và Sun Tiantian ở nội dung đôi nữ Olympic Athens 2004.
Điểm chung của những nhà vô địch kể trên là khi được phát hiện tố chất của tài năng đã ngay lập tức được chuyển sang tập luyện ở môi trường tốt nhất có thể cho môn chơi mà họ theo đuổi. Đó chính là con đường, là công thức thành công của mọi vận động viên ở bất kỳ quốc gia nào, từ “vùng trũng” Đông Nam Á hay những đảo quốc bé nhỏ ngoài đại dương. Nói cách khác, để tạo ra được kỳ tích ở Thế vận hội, phải có một lộ trình rèn luyện ở đẳng cấp thế giới chứ không thể chờ đợi ở may mắn.