Phát triển du lịch hướng nghiệp

Dự án “Tăng cường kỹ năng Công nghệ thông tin (CNTT) cho giới trẻ hội nhập và phát triển” giai đoạn 1 đã đánh dấu thành công bước đầu của dự án trong việc thu hẹp khoảng cách số, khơi dậy niềm đam mê, phát triển những kiến thức và kỹ năng về khoa học máy tính, ứng dụng CNTT cho thanh thiếu niên tại các khu vực khó khăn, đồng thời đóng góp những bài học kinh nghiệm là tiền đề mở rộng quy mô trong các giai đoạn tiếp theo.

Học sinh tham quan phòng làm việc của FPT Trading- Đà Nẵng.

Dự án đã xây dựng được bộ giáo trình môn Tin học trên cơ sở kế thừa chương trình tin học hiện hành và cập nhật các nội dung khoa học máy tính hiện đại, gồm các chủ đề: Tin học ứng dụng cơ bản, Đồ họa 2D-3D và dựng phim, Lập trình 2D-3D và an toàn sử dụng Internet. Trong năm học 2016- 2017, bộ giáo trình này được sử dụng để giảng dạy trong chương trình ngoại khóa tại các trường trung học cơ sở vùng xa, trường dân tộc nội trú và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn 6 tỉnh/thành phố. Hơn 300 giáo viên Tin học đã tham gia tập huấn bồi dưỡng về kiến thức và phương pháp giảng dạy chương trình này, thông qua 2 hình thức trực tuyến và tập trung. Qua đó, khoảng 50.000 học sinh đang được tiếp cận các nội dung mới mẻ, hấp dẫn và được trải nghiệm các hoạt động học tập tích cực, hướng đến phát triển tư duy thuật toán, tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống, năng lực giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Để củng cố hiểu biết lý thuyết qua thực tế, gần 500 học sinh cùng 40 giáo viên tại 33 trường THCS, THPT dân tộc nội trú trên địa bàn Hòa Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang, Sóc Trăng được tham gia 5 chuyến tham quan học tập du lịch hướng nghiệp tới các trường đại học, khu công nghiệp, tập đoàn có ứng dụng CNTT và công nghệ cao vào hoạt động sản xuất- kinh doanh. Chuyến đi này giúp học sinh, thanh thiếu niên hiểu biết thêm về môi trường học tập và làm việc, giúp các em yêu thích môn Tin học, khám phá đam mê cũng như vạch ra lộ trình tương lai cho mình.

Cô Vũ Thanh Hoan, Trường THCS Nguyễn Du, Quảng Ninh, cho biết: Hoạt động du lịch hướng nghiệp đối với học sinh rất cần thiết, vì định hướng nghề nghiệp rất quan trọng. Qua những buổi như thế này, các em thể hiện được rõ suy nghĩ và mong muốn của mình, hiểu mong muốn của bản thân, hiểu nghề nghiệp mình yêu thích từ đó tự lựa chọn và quyết định được hướng đi sau này. Những trò chơi tập thể thực sự rất hữu ích vì khiến các em có sự tương tác với chuyên viên định hướng nghề nghiệp, với bạn bè của các trường khác. Các em đã tự thể hiện được các suy nghĩ của mình, không e ngại về việc phải chia sẻ tới mọi người, không sợ nói ra những điều mình đang băn khoăn. Hoạt động này nên được nhân rộng hơn nữa.

Chia sẻ từ học sinh về ước mơ, nghề nghiệp mong muốn theo đuổi.

Không chỉ là cơ hội cho học sinh vùng khó khăn được mở mang kiến thức và trải nghiệm, hoạt động du lịch hướng nghiệp còn giúp các em giao lưu bạn bè, được nói lên ý kiến cá nhân và ước muốn của mình, được phản biện cùng chuyên gia và các bạn về vấn đề “Làm sao để hiểu rõ mong muốn của bản thân?”, “Làm thế nào để hiểu mình phù hợp với ngành nghề nào?”, “Lựa chọn nghề và xác định các mục tiêu ra sao?”...

Du lịch thực sự là cầu nối cho sự trải nghiệm và khám phá năng lực của bản thân, khi được kết hợp khéo léo với hoạt động hướng nghiệp cho thanh thiếu niên, hoạt động này đã mang lại giá trị rất lớn cho các em học sinh. Dự kiến trong giai đoạn 2, được triển khai trong 12 tháng tiếp theo, dự án tiếp tục mở rộng quy mô tới 12 tỉnh/thành phố và sẽ có khoảng 600 giáo viên và 85.000 học sinh được tiếp cận với các nội dung tin học ứng dụng và khoa học máy tính tích cực và đổi mới.

PHÚ QUỐC

Tin cùng chuyên mục