Pep Guardiola - Cây kim trong bọc…

Câu chuyện về Pep Guardiola giống như một cây kim trong bọc, cho dù giấu diếm đến cỡ nào, thì cũng có ngày phải lòi ra. Trận thua mới nhất với tỷ số 1-2 của Manchester City của Pep trước Antonio Conte của Chelsea ở Premier League đích thực là một cây kim như vậy.

Cây kim, hay thực chất là sự thật, đã chỉ ra rằng, thực tế Guardiola chỉ là “một kẻ ăn may vĩ đại”, ông đã may mắn thắng Guus Hiddink ở bán kết Champions League khi trọng tài đã bênh vực Barcelona một cách thô thiển, còn ông, trước khi trận đấu kết thúc, đã sang tận băng ghế huấn luyện để bắt tay thể hiện sự khâm phục trước nhà cầm quân người Hà Lan, để rồi cú sút từ trên trời rơi xuống của Andres Iniesta ở phút thứ 90+3 đã mở toang cánh cửa đưa Pep đến với ngôi đền của danh vọng. Một con đường rất may mắn và đã được “người ta” trải đầy hoa hồng.

Pep Guardiola - Cây kim trong bọc… ảnh 1

Pep Guardiola chưa phải là nhà cầm quân giỏi nhất

Pep hay không? Sao không? Cầm Barcelona, tạo dựng một lối chơi thương hiệu tiqui-taca, có thời điểm được xem là “bất khả chiến bại”, tạo nên một đế chế hùng mạnh, trải dài không chỉ trong tầm lãnh thổ của Tây Ban Nha, mà còn lấn sang cả nhiều nước ở châu Âu, vắt ngang từ bờ biển Địa Trung Hải cho đến tận vùng đất Bắc Âu lạnh giá. Pep giỏi không? Sao lại không? Dẫn dắt Bayern Munich tạo thế “độc cô cầu bại” thống trị ở Bundesliga trong suốt 3 năm trời, từ năm 2013 đến năm 2016, biến Bayern trở thành một đội bóng có lối đá tận hiến, sảng khoái và rất đáng xem.

Nhưng Pep thực chất có tài năng rất lớn như những gì người ta sơn phết? Chắc chắn là không rồi! Với những gì ông đã và đang làm ở Man City, còn lâu ông mới xứng đáng với vị thế “HLV tài năng nhất thế giới”. Ở Barca, ông có Lionel Messi và một hệ thống các cầu thủ đã gắn kết với nhau từ lò đào tạo trẻ, tất cả cùng chung tay dệt thành một tấm lưới giăng kín, bao bọc lối chơi của các đối thủ của mình. Ở Bayern, ông có trong tay những cầu thủ xuất sắc nhất làng bóng đá Đức, việc ông cần làm chỉ là hướng họ theo một tư duy mới, một phong cách mới, mà nếu họ không thành công, tự bản thân năng lực của họ cũng đã đủ để khiến họ… không thể thua thiệt quá nhiều. Nhưng ông có đưa Bayern lên ngôi vô địch châu Âu như những gì mà người tiền nhiệm từng làm được hồi năm 2013? Không hề.

Đến với Man City, ông cũng được trải hoa hồng, không chỉ về vấn đề nhân sự của đội bóng, lò đào tạo trẻ, lối chơi, chiến thuật, mà xung quanh ông, những nhân sự lãnh đạo – hỗ trợ cũng đều được chuẩn bị sẵn sàng. Và ông đang làm được gì? Một Man City từng 2 lần vô địch giải Ngoại hạng Anh kể từ năm 2012 đến nay, nghĩa là đã đủ sức “xưng hùng, xưng bá” ở Premier League ngay trước khi ông đến, lại chỉ xếp thứ 4 ở mùa giải năm nay, thua Liverpool 2 điểm (nhưng còn 1 trận chưa đá), thua Tottenham Hotspur đến 7 điểm và đặc biệt là thua Chelsea của Conte đến 14 điểm. Ấy vậy mà, ông lại lạnh lùng nói rằng, ông chưa hề hứa mang danh hiệu nào về cho Man City ngay trong mùa dẫn dắt đầu tiên. Ôi, hóa ra, bản hợp đồng này là để… lừa nhau à?

Trong buổi trả lời phỏng vấn phóng viên sau trận thua Chelsea 1-2, trận thua khiến Pep đối mặt với hàng loạt “kỷ lục” không mong muốn, như lần đầu tiên ông thua một đội bóng của một HLV trong cả 2 lượt trận đi và về, và lần đầu tiên, đội bóng mà ông cầm quân chịu thua đến 6 trận đấu trong cùng 1 mùa giải, người ta nhìn thấy một Guardiola có vẻ “hèn kém”, ông không dám nhìn thẳng trực tiếp vào mặt người đang đặt câu hỏi, ánh mắt của ông liếc ngang, liếc dọc hay thậm chí… nhìn xuống dưới đất như kiểu trốn tránh sự thật của vấn đề. Và sự thật đây là gì, là rằng: “Cây kim trong bọc có ngày lòi ra, vì thực chất ông không phải là nhà cầm quân giỏi nhất thế giới, bàn tay có thể chạm đến đâu, nơi đó hóa thành vàng”, như những gì mà giới truyền thông xưng tụng.

Mùa giải năm nay, có thể nói là đã xong, khi mà mục tiêu của Man City, sẽ là cố giành suất dự Champions League mùa sau. Còn mùa giải năm sau, trong hầu bao của Pep, có còn giấu cây kim nào nữa hay không?

NGUYỄN HUY VŨ

Bóng đá quốc tế