Giải kiếm U23 toàn quốc năm nay thu hút vỏn vẹn chưa tới 130 VĐV tham dự. Nhìn lại, môn đấu kiếm vẫn chỉ có các đơn vị quen thuộc đầu tư đào tạo là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh và những đơn vị mới có Quảng Ninh, Công an Nhân dân (CAND).
Trong tâm sự của mình, phụ trách bộ môn đấu kiếm (Tổng cục TDTT) – ông Phùng Lê Quang bày tỏ “chúng tôi luôn rất muốn môn thể thao này được thêm nhiều địa phương đầu tư đào tạo tuy nhiên thực tế gặp khó nhiều điều từ việc tuyển chọn VĐV cho đến nguồn lực đầu tư và thật sự, địa phương phải “máu” với đấu kiếm thì mới quyết tâm đầu tư cho môn này”.
Cái “máu” mà ông Quang chia sẻ thì ai cũng hiểu đó là sự say nghề và thật sự đam mê với nghề. Về điều này, chưa đơn vị nào qua được hai địa phương dẫn đầu trong đầu tư cho môn đấu kiếm là TPHCM và Hà Nội. Trên sàn đấu ở Bắc Ninh, đấu kiếm TPHCM cử đội hình nhiều gương mặt trẻ xuất sắc nhất thi đấu và một người quen của làng đấu kiếm là tuyển thủ Nguyễn Tiến Nhật đã sắm vai trò thành viên trong ban huấn luyện chỉ đạo. Với đấu kiếm Hà Nội, đội hình các gương mặt trẻ U23 tốt nhất cũng được tham dự. Chứng kiến trận chung kết nảy lửa của nội dung đồng đội nội dung ba cạnh nam U23 giữa Hà Nội và TPHCM mới hiểu, dù chỉ ở cấp độ trẻ nhưng các tay kiếm rất quyết tâm và “máu” tranh chấp từng điểm số một để rồi khi ngôi vô địch thuộc về đội TPHCM thì tất cả kiếm thủ ở lao vào nhau ôm chầm vỡ òa cảm xúc trong khi bên kia, VĐV Hà Nội đổ sụp thất vọng vì thua cuộc.
Đó là cái “máu” nghề. Nhưng, để có được những lớp VĐV như vậy, công tác tuyển chọn tuyến năng khiếu không dễ. Đại diện đội kiếm Bắc Ninh bày tỏ, hàng năm đơn vị luôn chủ động tìm kiếm tuyển chọn VĐV năng khiếu và có được quân số tốt cho đấu kiếm lại chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay. HLV Phạm Anh Tuấn của đội đấu kiếm Hà Nội chia sẻ “chúng tôi rất chắt chiu con người ngay từ khi tuyển chọn đầu vào. Tìm được VĐV có sự khéo léo và tinh quái trong tư duy không dễ nên ban huấn luyện các tuyến của đội đấu kiếm Hà Nội khi tuyển chọn được VĐV trẻ đều nỗ lực đào tạo ra được sản phẩm tốt nhất. Một VĐV từ năng khiếu để đến khi thi đấu được giải U23 mất không dưới 5 năm tập luyện”. HLV Phạm Quốc Tài của đội đấu kiếm CAND chung quan điểm như vậy. Tham gia trực tiếp huấn luyện các VĐV trẻ của đội đấu kiếm đơn vị, ông Tài cho biết việc tuyển chọn là một trong những khâu khó bởi lý do ít gia đình muốn con đi tập đấu kiếm cũng như các em học sinh không quen thuộc môn thể thao này. Vì thế, ở mỗi dịp tuyển quân, các HLV đều có những khơi mở cụ thể nhất để từ đấy nhiều gia đình mới biết rõ hơn về thể thao đấu kiếm và đồng ý cho con em mình theo tập.
Một thực tế khó khăn khác hiện hữu, là thiếu trang thiết bị trong tập luyện. Đưa một câu hỏi rằng 8 đơn vị có đủ dụng cụ kiếm cho VĐV tập luyện hay không thì câu trả lời thường trực sẽ là không. Hà Nội là một đơn vị tập trung đông đảo VĐV đấu kiếm ở 3 tuyến năng khiếu, trẻ và tuyến một nhưng trong 2 năm qua chưa được sắm một cây kiếm mới.
“Kiếm thể thao vẫn là một trang thiết bị ở danh mục quy định là vũ khí vì vậy việc mua sắm là rất khó do cần nhiều thủ tục, giấy phép và quyết định. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong những lần muốn đầu tư thêm trang thiết bị cho đội tuyển quốc gia ở danh mục kiếm thể thao để các em tập và thi đấu nhưng gần như không mua sắm được”, ông Phùng Lê Quang trao đổi thêm.
Với mỗi VĐV, trong tập và thi đấu, đảm bảo tốt chuyên môn cần 2 cây kiếm/tháng. Điều này chưa giải quyết được. Bởi lẽ, khi tập hay thi đấu, sau những va chạm thì lưỡi kiếm hoàn toàn có thể bị cong, gẫy không thể có độ chính xác nhất về chuyên môn nên không dùng được. Tất cả kiếm của những VĐV các đơn vị đang sử dụng vẫn là kiếm cũ mà họ được trang bị từ trước. Tại SEA Games 31, không VĐV nào được sắm kiếm mới mà các tuyển thủ đều dùng kiếm sẵn có ra tranh tài.
Giải đấu kiếm U23 toàn quốc kết thúc trong ngày 17-8 tại Bắc Ninh. Dẫn đầu giải là đơn vị Hà Nội và tiếp theo là TPHCM. Các đơn vị như Quảng Ninh, CAND, Bắc Ninh đều có HCV. Sau giải vô địch U23 toàn quốc 2022 ở Quảng Ninh, đấu kiếm sẽ tổ chức giải vô địch trẻ toàn quốc 2022 trong tháng 9 tại Hải Dương. |