Những người thầm lặng của công tác doping SEA Games 31

Công việc lấy mẫu doping sau thi đấu tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng thực tế, những nhân viên làm công việc đó đều có sự vất vả riêng và thầm lặng phía sau ít người biết tới.

Nhân viên doping luôn là những người thầm lặng phía sau mỗi cuộc thi đấu của SEA Games 31. Ảnh: MINH CHIẾN
Nhân viên doping luôn là những người thầm lặng phía sau mỗi cuộc thi đấu của SEA Games 31. Ảnh: MINH CHIẾN

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) ngày đầu thi đấu môn điền kinh (14-5), trời đã đổ mưa. Ở một góc sau vạch đích trên sân, bác sĩ Dương Tiến Cần của Trung tâm doping Việt Nam thầm lặng đứng chờ lúc lâu bởi anh tham gia công tác lấy mẫu kiểm tra doping với VĐV sau khi thi đấu nhưng còn đợi tuyển thủ. Sự chờ đợi của bác sĩ Dương Tiến Cần là có lý vì khi đó, tuyển thủ ném lao Nguyễn Hoài Văn đang bận chụp hình và giao lưu cùng phóng viên. “Tôi đợi được, không sao. Công tác lấy mẫu doping rất quan trọng nên chúng tôi đợi cho tới khi các tuyển thủ xong việc của họ rồi triển khai ngay”, bác sĩ Dương Tiến Cần chia sẻ.

Mọi người luôn chú ý, ở mỗi điểm nhà thi đấu, đội ngũ nhân viên thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping sau thi đấu luôn đông đảo ít nhất từ 6 thành viên trở lên do còn phụ thuộc số VĐV và nội dung tranh tài. Dễ hiểu vì sao, ngay sau khi thi đấu, các nhân viên được giao nhiệm vụ lấy mẫu phải áp sát ngay tuyển thủ để đưa họ tới phòng lấy mẫu thực hiện đúng quy trình theo quy định.

Tất cả việc lấy mẫu thực hiện bằng việc lấy mẫu qua nước tiểu của VĐV. Vì thế, có những trường hợp cười ra...nước mắt khi VĐV chưa thể cho được mẫu ngay và phải uống thêm nước mới ra được “mẫu thử”. Như trường hợp tuyển thủ wushu Dương Thúy Vi sau ngày thi đấu đầu tiên dù kết thúc tranh tài nhưng phải nán lại nhà thi đấu lâu hơn vài tiếng để cho mẫu thử kiểm tra tới nhân viên thực hiện lấy mẫu doping.

Một trong những tuyển thủ đầu tiên của Việt Nam được thực hiện lấy mẫu kiểm tra doping tại SEA Games 31 sau khi thi đấu là Nguyễn Tùng Dương của môn nhảy cầu. Ngay khi kết thúc thi đấu nội dung đầu tiên, đợi sau những phút trả lời phỏng vấn của VĐV, nhân viên mới nhẹ nhàng tới gần tuyển thủ để dẫn vào phòng thực hiện lấy mẫu đúng quy định.

“Công việc này cần có sự cẩn thận bởi mỗi mẫu thử sẽ được dán nhãn và kiểm tra kĩ càng tên tuổi trước khi đóng gói dán lại và gởi về nơi thực hiện kiểm tra. Do vậy, những người mà vội vàng thì không thể tham gia công việc này do sự bình tĩnh là yêu cầu trên hết”, bác sĩ Dương Tiến Cần chia sẻ thêm.

Trong ngày 13-5, Ban tổ chức SEA Games 31 của chủ nhà Việt Nam cùng Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping đã tổ chức buổi tuyên truyền về công tác phòng chống doping trong thể thao ngay tại khu thi đấu đua thuyền SEA Games 31 ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thông điệp “Say no to doping – Nói không với chất cấm” và “Play true – thi đấu trung thực”. “Ý thức về phòng chống doping của VĐV các môn thể thao Việt Nam là có. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có những chương trình tuyên truyền về công tác này để mọi người ý thức hơn trong dinh dưỡng ăn uống, thuốc men bởi đây là một trong những nguy cơ có thể bị dính phải chất cấm mà mình không biết. Do vậy, công việc luôn có sự thông tin chính xác từ các chuyên gia”, Bác sĩ Nguyễn Văn Phú (Phó trưởng Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping SEA Games 31 đồng thời là Giám đốc Trung tâm phòng chống doping Việ tNam) đã trao đổi.

Bác sĩ Vũ Trọng Hải, người có mặt trực tiếp ở buổi tuyên truyền trên cho biết thêm “với quy định về lấy mẫu và kiểm tra doping rất kĩ càng tại bất kì Đại hội thể thao, kể cả SEA Games 31 thì mọi quy trình đều thực hiện chính xác và VĐV phải thông tin chính xác nhất theo các yêu cầu để tránh làm sai lệch dữ liệu”.

SEA Games 31 vẫn còn tranh tài nhiều ngày nữa, đội ngũ nhân viên lấy mẫu kiểm tra doping vẫn túc trực trong các điểm thi đấu và công việc của họ chính để giúp mang lại thêm sự minh bạch và trong sáng, công bằng nhất nhất của thể thao cao thượng.   

Tin cùng chuyên mục