Sự thành công của các cầu thủ Nhật Bản ở giải đấu hàng đầu nước Đức tiếp tục được khẳng định. Đất nước mặt trời mọc hiện là quốc gia có số cầu thủ đông thứ tư đang thi đấu ở Bundesliga chỉ sau Thụy Sĩ, Áo và Brazil.
Từ thương vụ gây đàm tiếu đến cú ăn hai lịch sử
Mùa hè năm 1977, FC Koln là đội bóng rất giàu tham vọng đã phớt lờ mọi dè bỉu khi mang về một cái tên lạ hoắc Yasuhiko Okudera. Cầu thủ nghiệp dư đến từ đội bóng nghiệp dư của một nhà máy (Furukawa Electric), hoàn toàn chẳng được ai ngoài biên giới nước Nhật biết đến. Thế nhưng gần như ngay lập tức, anh lính mới từ vùng Viễn Đông đã trở thành một trong số những cầu thủ chủ chốt của CLB. “Anh ấy có một niềm đam mê chơi bóng thực sự”, HLV của FC Koln lúc đó là ông Hennes Weisweiller, đã tán dương như vậy. Ở mùa đầu tiên trong màu áo mới, Okudera đã cùng với “những chú dê” (biệt danh của FC Koln) đoạt luôn cú đúp danh hiệu: Vô địch Bundesliga và đoạt cúp quốc gia. Tính cả quãng thời gian đá cho SV Werder Bremen những năm đầu thập niên 1980, cầu thủ với cái chân trái ma thuật này đã chinh chiến 234 trận ở Bundesliga và đóng góp được 26 bàn thắng.
Ấn tượng trước thành công của Okudera, CLB Arminia Bielefeld đã hướng sang Nhật Bản như là một vùng đất giàu tiềm năng, mua về Kazuo Ozaki – cầu thủ Nhật thứ hai thi đấu ở giải chuyên nghiệp nước Đức. Tiền đạo này ghi được 9 bàn qua 62 trận ở Bundesliga, nhưng sau anh, bóng đá Nhật không thể “xuất khẩu” sang Đức thêm bất kỳ cầu thủ nào trong 20 năm.
Takahara- người tiên phong
Naohiro Takahara đã “kích hoạt” trở lại con đường chinh phục Bundesliga của cầu thủ đất nước mặt trời mọc vào năm 2003, cũng là năm mà anh dành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Nhật.
Buổi tập đầu tiên của ngôi sao này với Hamburger SV đã thu hút 50 nhà báo đến từ quê hương anh và vô số máy quay phim. Mặc dù thi đấu không mấy nổi trội ở J-league trước khi đặt trên lên đất Đức, thế nhưng Takahara đã có một sự nghiệp thành công được thừa nhận rộng rãi ở Hamburg và Eintrach Frankfurt với tổng cộng 135 trận đấu và 25 bàn thắng.
Ảnh hưởng lớn nhất của anh chính là khơi dậy hứng thú chơi bóng ở Bundesliga cho những cầu thủ đồng hương. Làn sóng cầu thủ Nhật ở giải đấu nước Đức chính thức được ghi nhận với việc Junichi Inamoto gia nhập Eintrach Frankfurt, Shinji Ono đến với VfL Bochum 1848 và VfL Wolfsburg có được chữ ký của Makoto Hasebe. Cả ba cái tên này sau đó đều trở thành trụ cột của tuyển quốc gia với biệt danh “Samurai Xanh”.
Siêu sao Kagawa
Năm 2010 được xem là cột mốc đánh dấu một siêu sao thực sự “đổ bộ” xuống Bundesliga. Borussia Dortmund và HLV Jurgen Klopp khi đó được xem là đã chơi một canh bạc khi quyết định mang về Shiji Kagawa từ CLB hạng hai của Nhật Cerezo Osaka. Có lẽ trong giấc mơ hoang đường nhất, Jurgen Klopp cũng không thể tưởng tượng nổi Kagawa lại xuất sắc đến thế, giúp BVB dành được hai danh hiệu Bundesliga và một cúp quốc gia. Qua hai mùa giải đầu tiên ở Dortmund, tiền vệ với ngoại hình nhỏ thó này đã đóng góp 21 bàn thắng và kiến tạo 13 đường chuyền thành bàn.
Suốt những năm 2000, các CLB Đức đã liên tục có được những bản hợp đồng thành công từ Nhật Bản. VfB Stuttgart mang về Gotoku Sakai và Shinji Okazaki (hiện đang đá cho Mainz 05), VfB Stuttgart giành được Hiroki Sakai, FC Shalke 04 thì có được sự phục vụ của Atsuo Uchida, trong khi Hiroshi Kiyotake khoác áo FC Nurnberg và Hajime Hosogai đến với Bayer 04 Leverkusen trước khi ra nhập Hertha Berlin.
“Họ muốn mọi thứ được hoàn hảo”
“Các cầu thủ người Nhật rất cơ động”, chuyên gia về bóng đá Nhật Bản Pierre Liitbarski đánh giá. “Họ xoay trở trong không gian chật hẹp rất xuất sắc và sở hữu những kỹ thuật tuyệt vời mà bóng đá hiện đại yêu cầu. Họ thi đấu rất chắc chắn và có xu hướng muốn mọi thứ trở nên hoàn hảo. Cầu thủ Nhật tập luyện hết sức chăm chỉ và vô cùng kỷ luật”.
Chẳng bao giờ chúng ta nghe được một scandal ngoài sân cỏ của họ, thích nghi với Bundesliga rất nhanh chóng và “những chiến binh Samurai” luôn là những cái tên quan trọng của đội bóng.
Vũ Đức Nguyên