Con số này rất ấn tượng nếu chúng ta biết rằng thể thao Thái Lan chưa bao giờ vượt qua mốc 3 HCV - vốn chỉ thực hiện đúng 1 lần cách đây 20 năm ở Athens 2004. Tại Olympic 2020, Thái Lan chỉ có 2 huy chương, trong đó có 1 HCV.
Khi đặt mục tiêu có tính chất “khủng” như vậy, có lẽ Thái Lan cũng đã có những phân tích kỷ lưỡng. Họ giành được 51 suất đến Paris 2024 và tham gia thi đấu đến 17 môn khác nhau, bao gồm các môn thế mạnh như boxing, BMX, cử tạ, xe đạp và cầu lông. Ở các môn này, Thái Lan đều có những VĐV đẳng cấp thế giới nên họ tự tin vào khả năng giành HCV.
Tuy vậy, việc đặt mục tiêu quá xa so với những thành tích trong quá khứ cũng khiến giới truyền thông Thái Lan đặt ra nhiều dấu hỏi. Thực tế, từ sau thành tích 3 HCV ở Athens 2004 (cũng là kỳ đại hội họ đoạt nhiều huy chương nhất với 8 chiếc), tại những Olympic sau, thành tích của Thái Lan không quá nổi bật. Thậm chí ở London 2012, họ không có HCV tính từ năm 1996 đến nay.
Lý giải về điều này, đại diện cơ quan quản lý thể thao Thái Lan cho biết đây là kết quả của quá trình chuyển đổi tầm nhìn. Mặc dù số lượng VĐV tham gia Thế vận hội kỳ này không cao nhất so với vài kỳ trước, nhưng chất lượng VĐV tốt hơn hẳn, cơ hội để đoạt HCV trong tầm tay.
Nếu nhìn từ Asiad 19, rất khó đánh giá sự lạc quan của thể thao Thái Lan là đúng hay sai. Tại đấu trường châu Á diễn ra năm ngoái, Thái Lan cũng chỉ đoạt 12 HCV, một con số tương đương với nhiều kỳ Asiad trước. Hơn nữa, trong số HCV này, phần lớn rơi vào các môn như cầu mây, đua thuyền hay golf (tổng cộng 9 HCV), nhưng các môn này hoặc là không có trong chương trình thi đấu Olympic, hoặc đều chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các đoàn thể thao lớn khác của thế giới.
Mặc dù mục tiêu của Thái Lan quá tham vọng, nhưng qua đó cũng thấy được khát vọng vươn tầm và sự tự tin của nền thể thao hàng đầu Đông Nam Á này. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng thể hiện được cam kết trong chiến lược hướng đến thành tích thế giới hơn là các cuộc cạnh tranh ở khu vực.