Nhân danh “người hâm mộ”


LĐBĐ Việt Nam vừa đưa ra lời kêu gọi “Nói không với pháo sáng” như một giải pháp về an ninh trước trận đấu với Malaysia vào ngày 16-11. 
CĐV Việt Nam sát cánh cùng đội nhà tại Lào vừa qua. Ảnh: QUANG LONG
CĐV Việt Nam sát cánh cùng đội nhà tại Lào vừa qua. Ảnh: QUANG LONG

Động thái này được đưa ra sau khi có một loạt hành vi tiêu cực trên mạng xã hội kêu gọi đốt pháo sáng nhằm phản đối việc phân phối vé của VFF. Cơn “sốt vé” đã lên đến đỉnh điểm và bắt đầu biến tướng.

Có “sốt vé” hay không? Đương nhiên là có. Sức chứa của sân Mỹ Đình theo thiết kế cách đây 15 năm chỉ là 40.000 chỗ ngồi (nay còn giảm hơn). Con số đó chẳng là gì so với nhu cầu của các CĐV đích thực chứ chưa nói đến những thành phần muốn có vé dù chẳng đi xem. Trận đấu giữa Hà Nội FC và HA.GL tại V-League ở sân Hàng Đẫy đã có 25.000 CĐV đến sân, huống hồ gì đây lại là trận đấu của đội tuyển quốc gia. Nói như vậy để thấy rằng, dù có phân phối vé theo kiểu nào thì cũng chỉ đáp ứng một lượng rất nhỏ người có nhu cầu. 

Vậy nhưng rất nhiều người đã không nhìn vào chi tiết đó. Họ săm soi số lượng vé mà VFF “để lại” cho các đối tượng: Ban tổ chức giải AFF Cup, CĐV đến từ Malaysia, các nhà tài trợ của bóng đá Việt Nam, đối tác của VFF… Đây là các khoản vé mặc định, ở mọi trận đấu, mọi giải đấu mà VFF tham gia. Nói đúng hơn, đó là một phần nghĩa vụ mà VFF phải thực hiện để giúp bóng đá Việt Nam có nguồn tài trợ, giúp CĐV Việt Nam có số lượng vé nhất định khi đội tuyển đi đá sân khách. 

Không ít người phớt lờ điều đó, họ nghi ngờ VFF cố tình giữ vé để tuồn ra “chợ đen”. Từ chỗ không có vé, đến ngờ vực, dẫn đến thành phần kích động kêu gọi đốt pháo sáng trên sân Mỹ Đình để VFF chịu phạt như hậu quả của việc đã không thỏa mãn được “người hâm mộ”. Tại Asiad 2018 vừa qua, một “người hâm mộ” Việt Nam đã vô tư đốt pháo sáng trên khán đài và VFF bị phạt gần 300 triệu đồng. Bây giờ, người ta lại xem đó là cách để “trả đũa” VFF về chuyện vé.

Nhân đây, cũng phải nói rằng, trong giai đoạn sốt vé vừa qua, các phóng viên thể thao, nhân viên của VFF và cả các nhà tài trợ của bóng đá Việt Nam là những người khổ nhất. Dù đã chủ động thông báo “không có vé”, nhưng càng đến ngày diễn ra trận đấu thì họ buộc lòng phải tắt luôn điện thoại. Ngay một doanh nghiệp đang tài trợ cho bóng đá trẻ Việt Nam cũng không mua được vé qua đường công văn nhưng vẫn bị mang tiếng với đối tác, đại lý, thậm chí nhân viên của mình là “có vé mà… giấu”. 

Với đa số những người chịu khổ nói trên, có chung thắc mắc: Người hâm mộ… ở đâu ra mà nhiều thế. Vậy mà, vô số bài báo về bóng đá Việt Nam không thấy người xem so với bóng đá quốc tế. Có những trận đấu, ngay cả khi đội tuyển Việt Nam thi đấu, khán giả cũng chẳng được phân nửa sân Mỹ Đình dù vé bán giá gốc, vậy nhưng khi cần thì “người hâm mộ” lại xuất hiện như thác lũ. Hệ quả là các đòi hỏi của “người hâm mộ” cũng chẳng còn thực sự là vì bóng đá Việt Nam. 

Công bằng mà nói, bóng đá Việt Nam hiện nay cũng như bộ máy của VFF đều vẫn chỉ ở tình trạng bán chuyên nghiệp. Nhưng để có một nền bóng đá thực thụ chuyên nghiệp, thì chính người hâm mộ cũng phải đồng hành “chuyên nghiệp” với VFF, cầu thủ hay nhà tài trợ. Nếu như ở mỗi CLB đều có lực lượng CĐV chuyên nghiệp, hoạt động quy củ, đóng góp thường xuyên cho đội bóng của mình bằng cách xem mọi trận đấu của đội nhà thì đến lúc, chính những người hâm mộ chân chính đó có quyền đòi hỏi VFF phải ưu tiên cho họ những tấm vé quý giá tại sân Mỹ Đình để xem các tuyển thủ thi đấu. Và nếu mọi việc xảy ra như vậy, thì VFF cũng chẳng phải đau đầu hứng chịu mọi chỉ trích, ngờ vực.

Từ một cơn sốt vé, nhiều câu chuyện nghiệp dư của bóng đá Việt Nam lòi ra, đáng lo hơn là mừng vì đội tuyển được “người hâm mộ” quan tâm.

Tin cùng chuyên mục