Lê Trọng Hinh có dịp thử sức trên SVĐ Thống Nhất tại Giải điền kinh quốc tế TPHCM mở rộng năm 2015 (khai mạc ngày 1-8). Sau SEA Games 28-2015 và giải Grand Prix châu Á 2015, bây giờ, Hinh mới thể hiện bước chạy trên sân nhà cho khán giả nhà thưởng lãm…
Trọng Hinh (phải) là nhân tố quý của điền kinh xứ Thanh. Ảnh: Nhật Anh
Bây giờ, nói về điền kinh Thanh Hóa, nhiều người nhắc nhiều tới Quách Thị Lan hay Quách Công Lịch. Hoặc trước đây gần nhất có Nguyễn Thị Phương (3.000m chướng ngại vật). Lê Trọng Hinh chỉ là gương mặt mới nổi tại SEA Games 28-2015. Trò chuyện cùng chân chạy đoạt HCV 200m nam của SEA Games 28-2015 trước ngày đi TPHCM thi đấu, Hinh bảo “em đã trở lại tập đều ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội từ sau thi đấu tại Singapore và Thái Lan. Mục tiêu quan trọng được hướng tới là đạt chuẩn Olympic 2016. Khó lắm, nhưng cứ quyết tâm và hy vọng làm được”. Hỏi Hinh rằng trước SEA Games 28 có nghĩ mình sẽ đoạt HCV không, chàng trai chỉ lắc đầu cười: “Ai dám chắc được chuyện đấy đâu. Vào có sức lực thế nào là “quất” nhiệt tình thôi. Em giành được HCV ở SEA Games là sung sướng lắm rồi”.
Lê Trọng Hinh tập điền kinh chuyên nghiệp từ năm 2011. Đó là giai đoạn điền kinh Thanh Hóa đi tìm tuyển chọn gương mặt trẻ, các tuyển trạch viên của thể thao xứ Thanh phát hiện được chàng trai trẻ từ tuyến học sinh phong trào. Sau 1 năm, Hinh đã được lên đội tuyển quốc gia trong năm 2012. Bước ngoặt lớn nhất của chân chạy này không phải ở SEA Games 28-2015 mà là đoạt 3 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014 tổ chức ở Nam Định.
Lê Trọng Hinh cùng lứa tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) nhưng là người được biết tới muộn. Công tâm mà nói, trong những thành tích mà các tuyển thủ điền kinh Việt Nam làm được tại SEA Games 28, kết quả mà Hinh mang lại giúp giới chuyên môn nhìn nhận đây là người để lại ấn tượng nhất. Lần đầu tiên, điền kinh nam Việt Nam đã đoạt HCV khi tham dự chung kết cự ly ngắn tại SEA Games.
“Từ nay tới cuối năm, theo lịch dự kiến, em có 2 giải quan trọng là giải quốc tế TPHCM 2015 và Thái Lan mở rộng 2015. Em cố gắng đạt kết quả tốt nhất để chuẩn bị cho năm tới tham dự một số đợt vòng loại Olympic 2016”, Hinh chia sẻ. Lê Trọng Hinh không nằm trong nhóm đi Mỹ tập huấn như 2 đồng đội Quách Thị Lan, Quách Công Lịch. Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa Lê Văn Nam xác nhận: “Quan điểm của thể thao Thanh Hóa là đầu tư cho nhiều VĐV tốt chứ không chuyên biệt ai. Hinh là một trong những người ấy”. Nhiều người bảo, điền kinh Việt Nam có điều lạ là cứ VĐV nào kỳ vọng giành suất Olympic thì lại không đạt được mà thường rơi vào trường hợp ngẫu nhiên. Trước có Thanh Phúc (đi bộ), Việt Anh (nhảy cao) rồi mới nhất là Nguyễn Thị Huyền (400m). Rất có thể, trong một giải đấu may mắn, Lê Trọng Hinh làm được điều ấy.
Hinh cũng là người vùng Ngọc Lặc (Thanh Hóa) như anh em Quách Thị Lan- Quách Công Lịch. Thật ngẫu nhiên bởi có vẻ như vùng núi này đang sản sinh ra những chân chạy tốt nhất cho điền kinh nước nhà. Cái duyên đến với điền kinh của Hinh không ngẫu nhiên mà được khơi nguồn cảm hứng khi anh trai cũng là thành viên của đội điền kinh Thanh Hóa. Niềm vui đã tới với chân chạy này bởi ngoài những mức thưởng nóng của đoàn thể thao Việt Nam thì trong lễ tuyên dương của đơn vị Thanh Hóa, những VĐV đoạt HCV cá nhân được tổng thưởng 50 triệu đồng.
Cầm khoản tiền ấy, Hinh đưa cả cho gia đình để đỡ đần bố mẹ. Giới chuyên môn từng đã không ngớt lời ca ngợi khi điền kinh Thanh Hóa phát hiện được Quách Thị Lan từ miền quê Ngọc Lặc. Nhưng với dân chạy cự ly ngắn, Lê Trọng Hinh mới là nhân tố quý như… kim cương mà điền kinh xứ Thanh đang sở hữu. Khi Hinh bước vào giải quốc tế TPHCM mở rộng 2015 cũng là lúc người bạn Quách Công Lịch lên đường tới Mỹ tập luyện. Ít nhiều, với từng người, khát vọng được đi tập huấn nước ngoài luôn là cháy bỏng. Mặc dù vậy, ông Dương Đức Thủy- Trưởng bộ môn Điền kinh Tổng cục TDTT, luôn rất thận trọng khi phân tích Hinh là VĐV có năng lực nhưng cần phải tập trung hơn nữa, tránh xao nhãng sau những hào quang đã đạt được để thành tích có khả năng chạm tới mốc chuẩn.
NGUYỄN ĐÌNH