Thất bại là điều tự nhiên và cần thiết trong cuộc sống, nhưng cảm giác thất bại lại không mấy dễ chịu. Đôi khi, chìm xuống tận đáy của thất bại, ta thấy nó cũng rất giá trị, nhưng vẫn không mấy dễ chịu.
Song, ít ra thất bại vẫn dễ thương hơn cảm giác đứng trên đỉnh vinh quang lộng gió cùng tập thể nhưng lại là người thừa và miễn cưỡng ăn mừng. Chính cảm giác ấy, từ một trận đấu cách đây 8 năm đã làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của một thủ môn năm nay 30 tuổi. Anh là Tom Heaton, người vừa giúp Burnley “lấy cắp” 1 điểm trên sân Man United. Còn trận đấu kia, là chung kết Champions League 2008, khi Heaton còn là người của M.U.
![]() |
Pha cản phá xuất thần của Tom Heaton (Burnley) trước quả vô lê của Zlatan Ibrahimovic (Man. United)
37 pha dứt điểm, 10 thuộc về Zlatan Ibrahimovic mà trong đó có cú vô lê cắt kéo cận thành sở trường của Ibra cùng thế trận ép sân nghẹt thở, là những gì Man United đã dùng để công phá khung thành của Burnley. Ở phía đối diện, tay, chân và tất cả những gì thuộc về mình là thứ Tom Heaton đem ra cố thủ khung thành đội khách. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa nhưng Heaton chiến thắng chung cuộc. Đó là ước mơ thành hiện thực với anh.
8 năm trước, Tom Heaton là một trong 24 cầu thủ được Sir Alex Ferguson lựa chọn cho trận chiến cuối cùng ở Champions League 2008 với Chelsea. Heaton ngày ấy đã vinh dự tháp tùng huyền thoại Edwin van der Sar đi mọi nơi, trong suốt mùa giải mà United xưng vương ở nước Anh và lục địa già. Nhưng tất nhiên, vì là thủ môn số ba (sau Tomasz Kuszczak), anh đã không có chỗ trên băng dự bị trong trận Chung kết. Thay vào đó, cùng những Gerard Pique, Louis Saha, Chris Eagles, Park Ji-sung và Danny Welbeck, anh theo dõi cuộc chiến từ khán đài sân Luzhniki.
Chứng kiến loạt penalty định mệnh, trực tiếp quan sát Van der Sar đẩy cú sút cuối cùng của Nicolas Anelka và mang về chiếc cúp châu Âu thứ ba cho Manchester United là trải nghiệm không thể nào quên của Heaton. Song, bên cạnh nụ cười khi trò chuyện cùng ký giả Dominic King (The Daily Mail), Heaton cũng đã hơi hụt hẫng.
“Đó là một khoảnh khắc quan trọng. Tôi đã tập luyện hằng ngày, đi cùng đội đến mọi nơi nhưng không được thi đấu dù chỉ một phút. Thực lòng mà nói, tôi cảm thấy mình thật xa lạ trong khung cảnh hoan hỉ ấy” – anh kể lại.
“Việc được ngồi chung phòng thay đồ, chứng kiến những con người kiệt xuất chuẩn bị cho trận đấu là những trải nghiệm và bài học không tưởng với một cầu thủ trẻ. Trên tất cả, họ đã đặt nền tảng lớn cho sự nghiệp của tôi. Tuy vậy, tôi cũng muốn đóng góp cho đội bóng, cũng muốn trở thành nhân vật chính nếu có thể. Đó là cả một giấc mơ, thứ ám ảnh tôi suốt từ lúc rời Moscow” – anh khẳng định.
Đêm Moscow vì thế là mốc lịch sử của United, cũng là bước chuyển lớn cho Tom Heaton: “Tôi phải ra đi và phát triển sự nghiệp. Đó là điều tôi phải làm”. Tom làm điều đó ngay mùa hè năm ấy. Anh khoác áo Cardiff City, trước khi lang bạt sang Queens Park Rangers, Rochdale và Wycombe Wanderers, đều theo dạng cho mượn. Anh chính thức tháo dây buộc với Man United vào năm 2010, gia nhập Cardiff theo dạng tự do.
Từ đó, Heaton vươn mình thành một trong những thủ môn chắc chắn nhất nước Anh. Anh chưa từng nghỉ trận chính thức nào từ hồi gia nhập Burnley từ Bristol City năm 2013 – với tổng cộng 139 trận. Phong độ ổn định ấy đưa Heaton lên tuyển Anh.
“Chẳng có con đường tắt nào cho tôi cả. Tôi đã trải bao thăng trầm, thấu hiểu những giai đoạn khó khăn để trở thành thủ môn như hiện tại. Tôi vẫn không ngừng cố gắng tiến bộ, nhưng chính nền tảng ấy giúp tôi vững tin”. – Heaton nhấn mạnh
Hành trình từ một người thừa đến đối thủ của Man United phải qua cánh cửa hết sức quan trọng: Cái gật đầu của Sir Alex Ferguson. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất anh trải nghiệm màn “sấy tóc” kinh điển của HLV huyền thoại này. “Ông ấy nổi giận, và chỉ cho tôi trần tình một đoạn ngắn, khá ngắn về ý định không ký tiếp hợp đồng” – Heaton kể, không quên kèm nụ cười thoải mái.
“Tôi hiểu mà. Tôi được CLB nuôi dưỡng 13 năm nhưng lại muốn ra đi tự do như thế. Nhưng điều ấn tượng nhất là ba tuần sau đó, ông ấy đã gọi tôi trở lại, bảo sẽ tôn trọng quyết định của tôi và sẽ luôn chào đón nếu tôi cần. Lời nói ấy là cả thế giới đối với tôi. Khi gặp lại Sir Alex trên sân tập hồi năm ngoái, tôi đã bất giác đứng thẳng người và gọi ông là “boss”! Đó là con người luôn khiến bạn kính nể và kính sợ”.
Sự tôn trọng tương tự được Heaton dành cho Sean Dyche, HLV hiện tại và là người đã so sánh anh với David de Gea. Tuy vậy, Heaton đã luôn điềm tĩnh trước những lời khen. Anh luôn ngưỡng mộ và học hỏi từ những thủ môn tài giỏi như đàn em người Tây Ban Nha.
“Tôi cố gắng học nhiều nhất có thể từ những ai tôi quen biết và làm việc cùng. Nếu kết hợp được sự nhanh nhẹn của Peter (Schmeichel) và sự điềm tĩnh của Edwin (van der Sar) thì thật hoàn hảo. Tôi thì còn lâu mới đến mức đó, nhưng vẫn đang trên đường phấn đấu”.
Đó cũng là thái độ giúp Heaton được tuyển Anh triệu tập cho trận đấu với Australia vào tháng 5 vừa qua, khi anh được tung vào sân thay Fraser Forster ở những phút cuối trận.
“Tôi đã giữ vị trí ở CLB trong 18 tháng và rồi giấc mơ ấy thành hiện thực . Mục tiêu tiếp theo là được chơi nhiều hơn, được bắt chính cho đội tuyển và dựng xây ngôi đền từ đó. Sáu phút và 2 lần chạm bóng trong khung thành đội tuyển Anh là thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của tôi. Nhưng, bạn biết đấy, sau đích đến này là mục tiêu khác và nhiều hơn thế nữa” – Heaton chia sẻ
Hành trình của Heaton 30 tuổi chưa kết thúc, và chắc chắn là còn rất dài đối với anh. Đó cũng là bài học về sự tham vọng; quyết đoán, sáng suốt trước những ngã rẻ và trên hết, là tinh thần nỗ lực liên tục và luôn xem mình… kém cỏi.
HOÀI THUẬN