Như vậy, từ ngày 1-7-2023, ngành thể thao sẽ không còn mô hình Tổng cục TDTT (trực thuộc Bộ VH-TT-DL) và thay vào đó, đơn vị này sẽ thành Cục TDTT.
Cách đây 77 năm, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước tham gia tập luyện thể dục để tăng cường sức khoẻ. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục (thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục). Trong Nha Thanh niên và Thể dục có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Từ ý nghĩa lịch sử đó, Ngày 29-1-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 25/CT lấy ngày 27-3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Quyết định cũng ghi cụ thể, Ngày Thể thao Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh. Đồng thời, Ngày 27-3-1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.
Nhìn vào sự hình thành, phát triển thể thao Việt Nam, qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, chúng ta đều có cơ quan quản lý cao nhất về lĩnh vực này. Theo các cột mốc về thời gian, ngành thể thao từng có cơ quan quản lý là Nha thanh niên và thể dục; Ban TDTT trung ương; Ủy ban TDTT (cơ quan ngang Bộ, trực thuộc Chính phủ). Tới năm 2007, khi các ngành văn hóa, thể thao, du lịch sáp nhập thì Tổng cục TDTT là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý về lĩnh vực thể thao trên cơ sở Ủy ban TDTT trước đó. Và cơ quan Tổng cục TDTT trực thuộc Bộ VH-TT-DL.
Hẳn nhiên, với nhiều người làm chuyên môn và những người đã nhiều năm theo đuổi sự nghiệp về thể thao thì mô hình Tổng cục TDTT thay đổi thành mô hình Cục TDTT sẽ không khỏi khiến họ có những sự bùi ngùi. Bởi chí ít, thể thao vẫn là một lĩnh vực được người dân cả nước quan tâm.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, sự thay đổi mô hình cơ quan quản lý về cơ bản sẽ không khác biệt nhiều các chức năng nhiệm vụ và quyền hạn. Quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục TDTT do Bộ VH-TT-DL ban hành ngày 5-6-2023 đã ghi cụ thể “Cục TDTT kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục TDTT theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan”. Ngoài ra, Cục TDTT có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy.
Theo mô hình Cục TDTT, đơn vị này có các nhiệm vụ và quyền hạn như trình Bộ trưởng để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ về TDTT và các dự án, đề án khác theo phân công của Bộ trưởng; Chiến lược, quy hoạch, chương trình quốc gia phát triển TDTT và các dự án, công trình quan trọng quốc gia về TDTT; các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về TDTT; Việc đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về TDTT; Tổ chức đại hội thể thao toàn quốc, các đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tại Việt Nam.
Cơ quan này vẫn là nơi định hướng, tổ chức các giải thi đấu thể thao thành tích cao, định hướng sự phát triển thể thao cho mọi người và là đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao; Trình Bộ trưởng ban hành quy định quản lý các hoạt động thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam; Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tại Việt Nam, đại hội thể thao toàn quốc sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Trình Bộ trưởng ban hành luật thi đấu của các môn thể thao hoặc quyết định áp dụng luật thi đấu của môn thể thao do liên đoàn thể thao quốc tế ban hành đối với các môn thể thao chưa có liên đoàn thể thao quốc gia...
Thực tế, chúng ta cũng phải tiến tới sự phát triển như nhiều quốc gia trên thế giới là nâng cao, tăng cường vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội các môn thể thao từ đó cùng kết hợp sự quản lý với Nhà nước về lĩnh vực này. Mà làm được điều đó, cần nhất là một nền kinh tế phát triển để có nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho thể thao. Hàng năm, Nhà nước vẫn cấp kinh phí hoạt động cho ngành thể thao vì thế các công tác về thi đấu, tập huấn, phát triển các đề án thể dục thể thao còn gặp nhiều khó khăn.