Người hâm mộ của mọi CLB đều được phép lạc quan trước mùa giải, nhưng nó đã chuyển từ cuộc nói chuyện về danh hiệu sang mối lo khủng hoảng đối với Man.United, tệ hơn là chỉ mới bước sang tháng 10. Sau 12 tháng đầu tiên tương đối tích cực tại sân Old Trafford, HLV Erik ten Hag hiện đang phải đối mặt với những câu hỏi về khả năng đưa CLB trở lại nơi họ cảm thấy thuộc về.
Hồi đầu mùa, siêu máy tính Opta mang lại cho Man.United 63,2% cơ hội cán đích trong top 4. Giờ đây, sau khi chỉ giành được 9 điểm sau 7 trận đầu tiên ở Premier League, con số đó chỉ có 4%. Thậm chí, theo siêu máy tính thì Man.United rất nhiều khả năng về chung cuộc ở hạng 9. Và khả năng xuống hạng (0,06%) còn nhiều hơn cơ hội giành được danh hiệu (0,01%). Đối với đấu trường Champions League, thì Man.United hiện chỉ có 32,9% khả năng đi tiếp sau 2 thất bại trước Bayern Munich và Galatasaray.
Nói một cách đơn giản, từ HLV Ten Hag đến CĐV Man.United nên quên ngay và luôn các đích ngắm triển vọng, cũng như cũng thôi hò hét yêu cầu thay đổi nhân sự tại thời điểm này. Nói cho cùng, sửa chữa những thứ hiện tại vẫn dễ hơn là đập phá mọi thứ mà chẳng biết xây dựng lại có được không. Có 5 “chìa khóa” mà nếu cải thiện thì Man.United vẫn có thể hi vọng.
1- Giúp cầu thủ trở lại sau chấn thương
Vấn đề của Man.United lúc này là ở hậu vệ trái, vì họ không có người để thay thế. Với việc Luke Shaw, Tyrell Malacia và bản hợp đồng cho mượn Sergio Reguilón đều phải ngồi ngoài, Sofyan Amrabat chưa bắt nhịp kịp nên chẳng làm được gì tốt hơn.
Cặp trung vệ được lựa chọn số nhiều nhất là Lisandro Martínez và Raphaël Varane chỉ chơi cùng nhau 197 phút, còn Wan-Bissaka đã phải nghỉ thi đấu gần một tháng. Mason Mount và Hojlund bỏ lỡ một số trận đấu do chấn thương trong bối cảnh Antony và Jadon Sancho chắc chắn không giúp ích được gì. Xét một cách công bằng thì Man.United không có đội hình tốt nhất ở mọi trận đấu, đấy là chưa nói đến việc lực lượng của họ cũng đâu phải là quá xuất sắc dù được trả lương cao.
2- Ngừng dựa vào thủ môn
Man.United đã thua 6 trong 10 trận trên mọi đấu trường mùa này, để thủng lưới 18 bàn, nhiều nhất ở giai đoạn này của mùa giải kể từ năm 1967 đến nay. Nhưng sẽ vô lý khi đổ lỗi cho André Onana. Nói cho sòng phẳng thì lỗi là vì … không có De Gea chứ không phải vì Onana quá tệ. Man.United đã quen chơi bóng với điểm tựa là các pha cứu bóng xuất sắc của thủ môn người Tây Ban Nha trong khung thành. Xét về những pha cứu bóng khó tin thì De Gea không có đối thủ, nên đem Onana ra so sánh thì không ổn vì mục đích của Ten Hag mùa Onana phục vụ cho nhu cầu chiến thuật chứ không phải là lấp cái khoảng trống của De Gea.
Nhìn vào các con số, Onana đã chơi cả 10 trận của United cho đến mùa này và đã phải đối mặt với 50 cú sút trúng đích, để thủng lưới 17 bàn (không bao gồm bàn phản lưới nhà) từ tỷ lệ 15,8 bàn thua dự kiến (xG). Điều đó có nghĩa là anh đã để thủng lưới nhiều hơn khoảng 1,2 bàn so với mức mà một thủ môn thường mong đợi. Tuy nhiên, trong 10 trận đầu tiên của mùa giải trước, De Gea đã để thủng lưới 17 bàn chỉ sau 43 cú sút trúng đích (thủng lưới nhiều hơn 2,7 bàn so với dự kiến). Nên lỗi của Onana là một chuyện, cái chính vẫn là anh ta không được bảo vệ tốt ở phía trước mặt.
3- Tái tạo Casemiro hoặc thử nghiệm Amrabat
Những gì đặc biệt nhất của mùa giải trước đều liên quan đến việc ký hợp đồng với Casemiro. Tuy nhiên, mùa này, cảm giác không giống như vậy. Casemiro là người bị đối phương rê bóng qua nhiều nhất dù tiền vệ người Brazil đứng thứ nhì trong đội về số lần tắc bóng chống phản công. Là cầu thủ có vai trò kiểm soát sự an toàn cho tuyến phòng ngự, Casemiro không còn đạt được phong độ như mùa trước. Điểm cộng của tiền vệ này vẫn là khả năng tham gia tấn công, khi ghi nhiều bàn thắng nhất cho Man.United trên mọi đấu trường với tổng số 20 cú sút.
Nếu Casemiro không còn tối ưu về phòng thủ thì tốt nhất đừng ép anh phải chịu trách nhiệm đó. Sofyan Amrabat tràn đầy năng lượng có thể chơi đúng vị trí sở trường và Casemiro nên xếp đá cặp. Tiền vệ được cho mượn từ Fiorentina xếp thứ ba trong số các tiền vệ về số lần tắc bóng (16) tại World Cup 2022 và dẫn đầu về số lần giành lại quyền kiểm soát bóng (57). Ở Serie A, tỷ lệ chuyền bóng chính xác 89,3% của Amrabat rất đáng chú ý vì giải đấu này khá nặng về chiến thuật.
4- Đưa Marcus Rashford trở lại phong độ
Rashford cho đến nay vẫn chỉ là cái bóng của chính mình. Anh đã ghi 30 bàn sau 56 trận trên mọi đấu trường mùa trước từ tổng số 167 cú sút nhưng mùa giải này, Rashford ra sân 9 lần và ghi 1 bàn từ 28 cú sút. Tỷ lệ chuyển đổi bàn thắng giảm đáng báo động từ 18% xuống chỉ còn 3,6%.
Đến trận đấu với Galatasaray, người ta kinh ngạc khi Rashford không dám tung ra cú sút khi đối mặt với thủ môn mà lại cố chuyền bóng cho Bruno. Chỉ có Erling Haaland (32) là thực hiện nhiều hơn 28 cú sút của Rashford ở Premier League, nhưng vấn đề là trong đầu của Rashford liệu có còn sự tự tin nào nữa không để giúp cho pha xử lý của mình đạt đến độ nguy hiểm cao nhất. Trong số 28 cú sút của Rashford, 17 lần bị cản phá, nhiều hơn bất kỳ ai khác. Trong số 108 cú sút của anh ở Premier League mùa trước, chỉ có 27 bị cản phá.
Giống như Casemiro, thật khó để tin rằng Rashford đã trở thành một cầu thủ quá tệ chỉ sau một đêm, vì vậy nếu Ten Hag có thể giúp anh tìm lại sự tự tin gần như đã mất, thì không có lý do gì để nghĩ rằng anh sẽ không trở lại.
5- Xây dựng xung quanh Rasmus Hojlund
Hojlund có cú đúp nhưng Man United vẫn thất bại |
Dù có vô số điều tiêu cực nhưng thực tế là Man.United vẫn có những điểm sáng cần phát huy. Bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 của Hojlund vào lưới Galatasaray có khoảng khắc có tính bước ngoặt. Khi Davinson Sanchez trượt chân, Hojlund lấy được bóng và bắt đầu chạy. Anh tiếp tục chạy, duy trì quyền kiểm soát bóng trong điều kiện ẩm ướt và dứt điểm bất ngờ. Không một pha bóng thừa thãi nào và bàn thắng đến đẹp mắt. Cách di chuyển và sự tự tin của Hojlund dường như đã đạt mức cần thiết.
Dù vẫn chưa ghi bàn thắng đầu tiên ở Premier League, nhưng ở tuổi 20 và 241 ngày, Hojlund trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong hai lần ra sân đầu tiên tại Champions League kể từ Erling Haaland vào năm 2019, đồng thời anh là cầu thủ thứ tư ghi được tới ba bàn thắng trong hai lần ra sân đầu tiên tại Champions League cho Man United sau Dimitar Berbatov (4), Romelu Lukaku (3) và Wayne Rooney (3).
Liệu có thể giải quyết những vấn đề này không? ai mà biết được. Và đó mới là vấn đề lớn nhất của Man.United.