1. Tính đến thời điểm này, đã có 360 triệu bảng được các CLB ngoại hạng chi cho thị trường chuyển nhượng trong tháng 7. So với cùng kỳ năm trước, tăng đến 60 triệu bảng. Hãng kiểm toán Deloitte đánh giá, gần như mùa này sẽ vượt qua mức kỷ lục 630 triệu bảng của kỳ chuyển nhượng trước.
Cùng kỳ này hồi năm 2012, chỉ có 190 triệu bảng được chi, trong khi đó, chỉ riêng 7 hợp đồng cao giá của mùa hè này thôi đã đạt đến con số đó. Chelsea là đội chi nhiều nhất, với 3 bản hợp đồng của Giego Costa, Cesc Fabregas và Filippe Luis, đã mất 80 triệu bảng. Cũng cần nhớ là gã nhà giàu Man.City tham gia thị trường khá dè dặt do bị án phạt của UEFA hay như đội tân binh Burnley mua đến 7 cầu thủ nhưng đều là chuyển nhượng tự do.
Chi nhiều như vậy vì các CLB kiếm được nhiều tiền hơn, nhất là sau bản hợp đồng bản quyền truyền hình 3 mùa trị giá hơn 3 tỷ bảng với 2 đài BT và BskyB. Hồi mùa trước, trung bình mỗi đội nhận thêm 25 triệu bảng, mùa này, các CLB hàng đầu còn có thể nhận thêm nhờ việc BT mua thêm bản quyền Champions League với giá 897 triệu bảng.
Thế nhưng, ông Gordon Taylor, chủ tịch hiệp hội cầu thủ nhà nghề chẳng lấy đó làm vui khi phần lớn các bản hợp đồng dành cho cầu thủ nước ngoài: “Cứ cái đà này, cầu thủ Anh không còn chỗ đứng. UEFA nên áp dụng qui định sử dụng cầu thủ tự đào tạo ngay từ đội hình chính chứ không phải là danh sách đăng ký”.
2. Theo qui định thì trong danh sách 25 cầu thủ đăng ký tại giải ngoại hạng, phải có 7 cầu thủ nội địa. Tuy nhiên, ví dụ như Man.City, nhà vô địch mùa trước thì trong 7 cầu thủ Anh của họ, chỉ có 2 là khoác áo tuyển Anh ở World Cup (Joe Hart và James Milner). Điều này có nghĩa, với qui định ấy thì cũng chẳng giúp gì cho chất lượng của tuyển Anh cả.
Người Anh rất muốn học theo cách làm bóng đá trẻ của Đức để hi vọng có ngày tìm đến vinh quang nhưng họ hầu như không thể. Hồi năm 2009, đội tuyển U21 vào chung kết châu Âu với U21 Đức nhưng rốt cục, chỉ có đúng 1 cầu thủ là James Milner lọt vào danh sách 23 cầu thủ của tuyển Anh đến Brazil dù là họ đã nỗ lực trẻ hóa đội tuyển. Ngược lại, có đến 7 cầu thủ Đức của đội vô địch U21 châu Âu năm đó vô địch World Cup 2014.
Tạo sao như vậy? 6 cầu thủ của đội U21 đá đến 15 trận đấu ở nhiều giải quan trọng trước khi trở thành tuyển thủ của đội 1 trong khi những tài năng của Anh như Luke Shaw, Adam Lallana, Raheem Sterling và Ross Barkley chẳng được đá quốc tế. Trước đây, những Owen, Rooney được đá tại giải ngoại hạng từ năm 16-17 tuổi trong khi bây giờ, phải đến 21-22 mới có “cửa” được đăng ký vào đội 1. Theo một thống kê, cầu thủ Anh chỉ được chơi có 32% thời gian trong giải ngoại hạng mùa trước, khá ít so với mức 50% của cầu thủ Đức tại Bundesliga và 58% của cầu thủ Tây Ban Nha ở La Liga.
Tính từ khi bắt đầu kỷ nguyên ngoại hạng năm 1992 đến nay, có hơn 1.500 cầu thủ nước ngoài đến Anh chơi bóng và trong 31 giải đấu hàng đầu châu Âu thì chỉ có đảo Síp là có cầu thủ nước ngoài nhiều hơn giải ngoại hạng Anh. Quỹ lương trả cho cầu thủ của giải ngoại hạng Anh cao nhất châu Âu, chiếm đến 71% nguồn thu nhưng tài năng của họ thì chẳng được hưởng lợi gì cả.
Đúng là có tiền thì chưa chắc đã mua được mọi thứ.
Đăng Linh