Tài khoản Twitter chính thức của Man.United khởi đầu tuần vừa qua bằng một câu nhàm chán: “chào mừng 7 ngày hấp dẫn”. Nghĩa là không có gì mới cả, cái khái niệm “hấp dẫn” ấy chẳng biết ẩn dụ điều gì, hấp dẫn với ai? Tuần lễ vừa qua của Man.United chứng kiến các lá thăm ở Champions League và cúp Liên đoàn, kết thúc bằng cuộc đụng độ lớn đầu tiên của mùa với Arsenal. Nghe cũng có vẻ rất hấp dẫn, nhưng sự thật là Old Trafford đã bỏ qua một hoặc hai sự kiện quan trọng khác vào cuối tuần này. Một cuộc biểu tình rầm rộ khác chống lại quyền sở hữu CLB dự kiến diễn ra ở London, nhân kỷ niệm 20 năm Malcolm Glazer thông báo với sàn giao dịch chứng khoán rằng ông có cổ phần trong câu lạc bộ. Một kỷ niệm khác, đó là 10 năm kể từ ngày Sir Alex Ferguson không còn trực tiếp điều hành công tác chuyển nhượng sau khi ông rời ghế HLV và nó được đánh dấu bằng việc Marouane Fellaini đến sân Old Trafford với bản hợp đồng ký lúc nữa đêm, ngay trước thời khắc đóng cửa thị trường tại Anh. Mọi sự mất kiểm soát cũng khởi đi từ đó, đến giờ vẫn chưa dừng lại.
Lúc đó, dự án vĩ đại của Man.City bắt đầu được triển khai, Arsenal thì đánh dấu buổi bình minh mới của họ bằng việc ký hợp đồng với Mesut Oezil, một siêu sao, còn Man.United cử David Moyes “ra trận” với chiếc bánh mì baguette trên tay. Fellaini không có gì đặc biệt ngoài chiều cao, lại là “lính cũ” của Moyes tại Everton, giá thị trường rất rẻ, thế mà chẳng hiểu sao Man.United lại để đến giờ cuối để mua với gần 30 triệu bảng, cao gấp đôi.
Đó chính là biểu tượng của một giai đoạn mà theo bình luận của tờ The Guardian là “thời kỳ lãng phí khủng khiếp nhất”. Kể từ khi Fellaini đến, Man.United đã tạo ra doanh thu khoảng 6,5 tỷ bảng và hơn 1 tỷ bảng ròng đã được chi cho các cầu thủ. 7 trong số 10 vụ chuyển nhượng hàng đầu trong lịch sử CLB hiện đang có mặt ở đội một của Ten Hag. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, kết quả cuối cùng vẫn là sự trì trệ, uể oải và thờ ơ. Trong suốt thập kỷ chi tiêu để tìm lại ánh hào quang ấy, Man.United giành được một Europa League và ba cúp quốc nội nhưng tổng số nợ lên tới 1 tỷ bảng. Ngân sách lương cứ phìng to, việc không thể loại bỏ các cầu thủ không cần đến đã là bệnh mãn tính. Anthony Martial đã có lần ra sân thứ 300 cho CLB vào tuần trước, 3 năm kể từ lần cuối cùng anh thực hiện một pha đánh chặn trong một trận đấu của đội một.
Phản ứng của CĐV Man.United |
Thật kỳ lạ khi phân tích về những thất bại trên sân của Man.United, người ta hay nói về các khoảng trống ở hàng tiền vệ nhưng chẳng bao giờ họ có đầy đủ sức mạnh ở khu vực này. Trong các bản hợp đồng mùa hè, đến 3 tiền vệ, mùa trước cũng có thêm 3 người. Vậy mà chẳng bao giờ Man.United cho thấy sự chắc chắn cũng như chất sáng tạo của một đội bóng đẳng cấp.
Tất nhiên, gia đình Glazer là kiến trúc sư chủ chốt của sân khấu đau đớn này. Nhưng nói cho cùng, đó chỉ là những nhà tài phiệt, cứ có lợi là làm. Một tài sản được mua với giá 800 triệu bảng vào năm 2005 hiện được rao bán với giá 5 tỷ bảng. 1 tỷ bảng khác trong thu nhập của Man.United đã được dùng để trả lãi cho khoản vay tiền mua lại, một thành tích hiếm có trong việc tự tăng tài chính. Hội đồng quản trị đã tự chi trả ít nhất 130 triệu bảng kể từ năm 2005. Các cổ đông đã kiếm được từ 150 triệu đến 200 triệu bảng. Còn người hâm mộ Qủy đỏ thì cứ gào lên: trả đội bóng lại cho chúng tôi. Sao mà trả được chứ?!
Thế nên đừng ngạc nhiên vì sao Man.United tham gia thị trường chuyển nhượng không có bất kỳ chiến thuật hữu hiệu nào. Richard Arnold, Giám đốc điều hành hiện tại, đã ở câu lạc bộ được 15 năm, vốn chỉ là một nhân viên tiếp thị có sự nghiệp nhờ “bám” với nhà Glazers, và thành tích đáng chú ý nhất gần đây của ông là phá hỏng vụ Mason Greenwood tệ đến mức Man.United phải mất cả năm qua. Giám đốc bóng đá, John Murtough, được bổ nhiệm chỉ vì … không có kinh nghiệm ở vai trò nào cả. Di sản gần đây của Murtough là cho phép Alessia Russo ra đi miễn phí, đạo diễn vụ Ronaldo 2.0, cộng thêm những ngày tháng thất bại của Rangnick.
Có lẽ chỉ Bruno là bản hợp đồng xứng đáng với các tiền nhân |
Và thế là mười năm sau The Fellaini Window, là một Rasmus Hojlund đến từ sớm nhưng trận đá với Arsenal mới là lần đầu tiên ra sân, cùng với các bản hợp đồng mượn vội cuối ngày chuyển nhượng để bù đắp cho chấn thương của Luke Shaw cũng như sự cô độc của Casemiro nơi tuyến giữa.