Chưa biết sẽ có bao nhiêu đội bóng Anh vào chung kết của các giải châu Âu, nhưng ngay từ bán kết, người ta đã vẽ đến một kịch bản: Liverpool - Tottenham đá chung kết Champions League, còn ở Europa League là Chelsea và Arsenal. Nếu điều đó xảy ra, là sự kiện chưa từng có. Nếu nó không xảy ra, thì sức mạnh của bóng đá Anh chắc chắn vẫn được ghi nhận.
Nhưng câu chuyện không nằm ở số lượng. Nói gì thì nói, giải ngoại hạng Anh quá giàu có, thì các CLB của họ đương nhiên phải hùng mạnh. Họ có thống trị châu Âu 1-2 mùa cũng không có gì ghê gớm, chưa nói lên được gì nhiều. Phải nhớ rằng, 10 năm qua, tính cả Champions League, Europa League và siêu cúp châu Âu, thì trong 30 trận chung kết, Tây Ban Nha góp mặt đến 22 lần. Thậm chí, có đến 3 trận chung kết diễn ra giữa 2 đội bóng của La Liga. Mới mùa trước, 2 đội bóng thành Madrid đã vô địch 2 cúp châu Âu. Vì vậy, chưa vội khẳng định La Liga đã thoái trào.
Nhưng trận thắng của Liverpool trước Barca đem lại nhiều ý nghĩa quan trọng. Vào cuối trận đấu, có tổng cộng 5 cầu thủ người Anh đá trên sân. Đây là con số trung bình của các đội Tottenham và Man.City ở mùa giải này tại châu Âu. Nó phù hợp với những thành công mà đội tuyển Anh có được từ World Cup 2018 đến nay, cũng như những chức vô địch thế giới của các đội U.17 và U.20 Anh trong năm 2017.
Kể từ sau thành công của Chelsea với 2 chức vô địch Champions League/Europa League các năm 2012/2013 thì đến nay, bóng đá Anh chỉ mới thêm chức vô địch Europa League (Man.United, 2017). Tuy nhiên, trong 4 mùa giải gần nhất, luôn có một đại diện của bóng đá Anh có mặt ở chung kết các cúp châu Âu, trong đó Liverpool góp mặt đến 3 lần kể từ khi xuất hiện HLV Jurgen Klopp.
Nhà cầm quân người Đức này cùng với những Mourinho, Pep Guardiola, Conte… tạo ra những cuộc cách mạng về chiến thuật khi cạnh tranh khốc liệt ở giải ngoại hạng Anh, qua đó tạo ra những phong cách thi đấu mới, các kiểu trận đấu mới, làm cho giải đấu xứ sương mù đã hấp dẫn còn thêm phần đẳng cấp. Và kết quả là bóng đá Anh vượt qua Tây Ban Nha trên cả phương diện đội tuyển lẫn CLB.
Tại sao những cầu thủ xuất phát từ ghế dự bị như Origi và Wijnaldum có thể dễ dàng ghi bàn vào lưới Barca? Vì sao hậu vệ trẻ người Anh, Arnold lại có cảm giác bóng tuyệt vời ở tình huống đá phạt góc kiến tạo bàn thắng thứ 4? Đó là kết quả của một quá trình chơi bóng theo cách tận hưởng niềm vui, tận hiến từ đầu kết cuối, nỗ lực theo kiểu “điều gì cũng có thể xảy ra” mà HLV Klopp đã truyền cảm hứng cho Liverpool suốt mấy năm qua, cho dù đến nay, Klopp vẫn chưa đem về cho sân Anfield một danh hiệu nào cả. Liverpool đánh bại Barca theo cách mà họ vẫn đang miệt mài theo đuổi cuộc đua vô địch với Man.City ở giải ngoại hạng Anh cho đến tận vòng đấu cuối cùng ở tuần này.
Đó là đẳng cấp, là triết lý bóng đá, là một chi tiết mà với bóng đá Việt Nam, rất đáng để nghiền ngẫm học tập sau khi được xem một trong những trận đấu kinh điển về ý chí và sức mạnh tập thể.