Bảng A:
- Senegal - Uruguay: Uruguay lấy vé đầu tiên?
23 giờ ngày 29-7, sân Wembley
Kịp thời cân bằng tỷ số trong trận ra quân, gặp chủ nhà Vương quốc Anh, Senegal đáng khen về mặt tinh thần hơn là thực lực. Các cầu thủ trẻ xuất thân từ lò đào tạo của cựu danh thủ Patrick Vieira chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên trên đấu trường quốc tế. Họ đã thể hiện một lối chơi quả cảm, không hề sợ hãi, và luôn nêu cao tinh thần thi đấu đến phút cuối cùng.
Cheikhou Kouyate (Anderlecht) là một trong những gương mặt đáng xem. Cạnh đó là Sadio Mane hoặc Ibrahima Balde. Nhưng nhìn chung, lối chơi đồng đội của họ lại tương đối rời rạc (Senegal là một trong những đội giữ bóng ít nhất ở loạt trận đầu tiên).
Cũng có thể, các cầu thủ Senegal tỏ ra đáng phục về tinh thần thi đấu trong ngày khai diễn môn bóng đá nam là vì hoàn cảnh đặc biệt của họ (đấy là trận đấu đầu tiên trong lịch sử của Senegal trên đấu trường Olympic). Kỳ này, chưa chắc đại diện châu Phi chơi được như thế.
Uruguay thì khác. Đội bóng của Luis Suarez và Edinson Cavani đã thể hiện được tất cả những gì cần có nơi một đội mạnh: tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm và khát vọng chiến thắng. Những ai còn hoài nghi về thực lực của Uruguay chỉ có thể dựa vào một cơ sở duy nhất để phản bác: có thể UAE chưa phải là “thuốc thử” đúng.
Dù sao đi nữa, chiến thắng vẫn là chiến thắng, và nếu lại thắng trong trận đấu đêm nay thì dù thuyết phục hay không, Uruguay vẫn nghiễm nhiên trở thành đội đầu tiên lấy vé vào vòng tứ kết. Họ hoàn toàn có khả năng ấy, bởi ghi bàn chính là điểm mạnh cụ thể nhất mà Uruguay đã thể hiện được ở trận thắng UAE. Các cầu thủ Nam Mỹ vẫn có thể ghi bàn trong hoàn cảnh khó khăn mà không nhất thiết cứ phải lệ thuộc vào những pha bắn phá của Cavani hay Suarez! Với Senegal, kể cả trong trường hợp thất bại, họ vẫn chưa chấm dứt hy vọng.
- Vương quốc Anh - UAE: Chủ nhà tất thắng
1 giờ 45 ngày 30-7, sân Wembley
Chính Craig Bellamy không thể ngờ rằng anh lại được khán giả trên sân Old Trafford cổ vũ nồng nhiệt như vậy, sau pha ghi bàn giúp Vương quốc Anh dẫn điểm trước Senegal ở trận ra quân. Nhưng ngoài bàn thắng của Bellamy, khó mà tìm ra chỗ nào đáng khen nơi đội “liên quân 4 xứ” này. Khâu kết nối trong đội hình của Stuart Pearce thật đáng thất vọng. Và Anh thua Senegal cả về thể lực. Và nói chung, Vương quốc Anh không thể là ứng cử viên vô địch với một sự trình diễn như thế.
Nhưng chẳng lẽ Bellamy và đồng đội lại không thắng nổi UAE trong loạt trận đêm nay? Tiền vệ Khamis Esmaeel của UAE thừa nhận: “Chúng tôi là đội yếu nhất trong bảng, và ít ra đấy cũng là một lợi thế, khi người ta xem thường chúng tôi”. Có thể đúng như anh nói, khi UAE bất ngờ dẫn điểm trước Uruguay ở loạt trận đầu. Nhưng cuối cùng, đẳng cấp kỹ thuật đã quyết định tất cả. Uruguay đã thắng UAE đơn giản vì trên tài. Và đêm nay, Anh cũng phải thắng UAE vì lý do ấy. Khi mà lối chơi còn chưa nhuần nhuyễn như mong muốn thì ít ra, các cầu thủ Anh cũng phải chứng tỏ được là họ hơn các đối thủ vùng Vịnh về đẳng cấp cá nhân chứ!
Bảng B
- Mexico - Gabon: Mexico nhỉnh hơn
20 giờ 30 ngày 29-7, sân City of Coventry
Vì chọn lựa về lối chơi, HLV Luis Fernando đã không thể xếp ngôi sao trẻ Giovani Dos Santos vào đội hình chính trong sơ đồ 4-4-2 mà ông ưa thích ở trận ra quân gặp Hàn Quốc. Trên thực tế, Mexico đã tỏ ra lép vế trước Hàn Quốc trong trận ấy. Hàng công của họ chỉ thực sự khởi sắc khi Dos Santos xuất hiện trên sân vào giữa hiệp 2. Thế nên, nhận định đầu tiên là Mexico có thể thay đổi cả đội hình cũng như lối chơi trong trận gặp Gabon đêm nay. Do ở “chiếu trên”, Mexico sẽ phải chọn lựa lối chơi theo chính năng lực của họ hơn là tham khảo cách chơi của Gabon để đề ra đấu pháp cho mình.
Xét về kỹ thuật, Mexico vẫn là một trong những đội đáng nể ở trận địa này. Ngược lại, Gabon chẳng những không được đánh giá cao mà còn gặp nhiều khó khăn trong khâu chuẩn bị. Đương nhiên, họ sẽ bị xếp vào “kèo dưới”. Hòa với Thụy Sĩ ở trận ra quân đã là nỗ lực đáng kể của Gabon. Nhưng so với Thụy Sĩ, Mexico sẽ là đối thủ đáng gờm hơn. Việc cả 2 trận đầu tiên của bảng B đều có kết quả hòa không nói lên rằng đêm nay các đội sẽ lại hòa nhau lần nữa.
Chi tiết đáng lưu ý: việc cả 2 trận đầu tiên đều hòa, với tỷ số thấp, cho thấy cuộc đua ở bảng B hiện là cuộc đua căng thẳng nhất, và nguyên nhân chính dẫn đến kết quả hòa trong 2 trận đầu tiên là các đội đều rất thận trọng trong phòng ngự. Thế nên, dù số đông nhận định Mexico sẽ thắng thì cũng khó có một chiến thắng dễ dàng hoặc thắng với tỷ số đậm đà. Một mặt, Mexico sẽ phải chơi thiên về công. Nhưng mặt khác, họ phải thận trọng với chân sút Pierre-Emerick Aubameyang bên phía Gabon.
- Hàn Quốc - Thụy Sĩ: Lại hòa?
23 giờ 15 ngày 29-7, sân City of Coventry
Hàn Quốc có thể lực và tốc độ tốt, cũng không thiếu hảo thủ (như Park Chu-young). Nhưng lối chơi thiếu sáng tạo do HLV Hong Myung-bo chỉ huy đã dẫn đến kết cục là hàng công gần như bế tắc, không có đường chuyền cuối cùng nào “xem được”. Kết quả: tuy có vẻ lấn lướt trước Mexico ở trận ra quân, nhưng Hàn Quốc không có bất kỳ pha dứt điểm nào đúng hướng cầu môn (do các tình huống kết thúc đều diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn).
Thụy Sĩ thì hóa ra vẫn vậy, chẳng khác bao nhiêu so với ĐTQG của họ. Nghĩa là đội này không mạnh mà cũng chẳng yếu. Lối chơi có vẻ chắc chắn và hợp lý của họ không có nhiều nét sáng tạo. Đá với Thụy Sĩ, người ta có thể yên tâm không phải sợ thua, nhưng cũng rất khó thắng. Và khi đối thủ của Thụy Sĩ trong đêm nay lại chỉ là một Hàn Quốc khá tầm thường trong bài bản tấn công thì có thể dự đoán về một trận đấu tẻ nhạt, không có nhiều tình huống sôi động và tỷ số sẽ không cao. Hòa là kết quả hợp lý nhất cho cặp đấu này.
Bảng C
- Brazil - Belarus: Thế trận một chiều
18 giờ ngày 29-7, sân Old Trafford
Brazil thực tế quá mạnh so với các đối thủ trong bảng và sẽ chẳng có gì lạ nếu họ vùi dập Belarus với tỷ số đậm như trong hiệp đầu trận đấu với Ai Cập. Nhưng vấn đề khiến giới chuyên môn lo ngại là Selecao liệu có đá đàng hoàng hay tiếp tục trêu ngươi mọi người như hiệp 2 trận đấu vừa qua.
Brazil của HLV Mano Menezes đã chơi xuất sắc để đè bẹp Ai Cập 3 bàn dễ dàng trong hiệp đầu trận ra quân. Nhưng họ chơi hiệp 2 như mơ ngủ, để Ai Cập gỡ lại 2 bàn dễ dàng từ những sai lầm thô thiển của hàng phòng thủ. HLV Hany Ramzy của Ai Cập thừa nhận: “Brazil có đội hình thừa kinh nghiệm, lắm tài năng và đầy những ngôi sao lớn. Họ có mọi thứ để giành HCV. Sau khi bị dẫn 3-0 trong 45 phút, tôi nghĩ là mọi thứ đã kết thúc”. Ông cũng tin là Brazil sẽ rút ra bài học kinh nghiệm của hiệp đấu lạ lùng đó để tập trung đánh bại Belarus.
Trên thực tế, đội ngũ tấn công gồm Neymar, Oscar, Pato và Hulk khoan thủng phòng tuyến đối thủ không mấy khó, vấn đề là Belarus đã có vốn 3 điểm nên chỉ cần cầm hòa Brazil trận này là rộng cửa vào tứ kết. Trận đấu có thể sẽ diễn ra theo một chiều khi Belarus cố thủ, còn Brazil sẽ tấn công để săn bàn. Nhưng Belarus không phải là đội giỏi chơi phòng thủ nên chỉ cần Brazil ghi 1 bàn, họ sẽ có bàn thứ 2 và thứ 3.
- Ai Cập - New Zealand: Các Pharaoh trỗi dậy
20 giờ 45 ngày 29-7, sân Old Trafford
New Zealand để thua Belarus ngay trận ra quân nên không khó để giới chuyên môn khẳng định họ là đội yếu nhất bảng này. Song, liệu họ có dễ dàng chịu khuất phục trước Ai Cập trong trận đấu quyết định khả năng sống sót ở giải này.
Trong lần thứ 2 liên tiếp tham dự Olympic, tuyển New Zealand vẫn đang tìm kiếm chiến thắng đầu tiên ở giải này. Bốn năm trước, New Zealand ghi được 1 điểm trong trận hòa với chủ nhà Trung Quốc, nhưng bây giờ lặp lại thành tích đó khó hơn nhiều khi họ rơi vào bảng đấu bao gồm Brazil và Ai Cập.
Hai năm trước, New Zealand với sự dẫn dắt của trung vệ Ryan Nelson đã ghi chiến tích tại Nam Phi khi cầm hòa cả 3 trận vòng bảng trước Slovakia, Paraguay và Italia. Quả là không ngoa khi nói rằng New Zealand đã góp phần loại nhà vô địch thế giới Italia. Giờ đây, Ryan Nelson đã 34 tuổi nhưng vẫn gắng gượng dẫn dắt lứa cầu thủ trẻ hơn. Anh có lợi thế là được chơi trên “sân nhà” ở đảo quốc nhưng Ai Cập vẫn là đối thủ trên cơ so với “những chú chim Kiwi”.
Ai Cập đã chơi tốt trong hiệp 2 trận đấu với Brazil để thu ngắn khoảng cách sau khi thủng lưới 3 bàn trong hiệp đầu. Họ đã thể hiện tinh thần thi đấu ngoan cường và không chịu đầu hàng. Đêm nay, họ sẽ có cơ hội chứng tỏ đẳng cấp của mình trước đội yếu nhất bảng. U23 Ai Cập mang đến giải 2 trong số những ngôi sao xuất sắc nhất của mình: Mohamed Aboutrika và Emad Motaeb - sở hữu 68 bàn trong 161 lần chơi cho đội tuyển lớn. Chính Aboutrika đã ghi bàn vào lưới Brazil trận đầu và HLV Hany Ramzy hy vọng anh sẽ nổ súng đêm nay.
Bảng D
- Tây Ban Nha - Honduras: Lời thề quyết tâm
23 giờ ngày 29-7, sân St James’ Park
"Tây Ban Nha chắc chắn không thể chia tay Olympic ngay từ vòng bảng,” Juan Mata tuyên bố. Đồng đội của anh tại Chelsea, Oriol Romeo, thì cụ thể hơn: “Tây Ban Nha sẽ đánh bại Honduras”.
Tiền vệ 20 tuổi nói: “Trận đầu tiên không tốt như chúng tôi mong đợi, nhưng bóng đá là thế. Nhiều đội tuyển quốc gia đã từng vô địch World Cup và EURO sau khi không thắng trận đầu tiên. Vấn đề của một giải đấu không phải là bạn khởi đầu như thế nào, mà kết thúc nó ra sao. Chúng tôi sẽ cho thấy khả năng xoay chuyển tình hình của mình trong 2 trận tới, khởi đầu là trận với Honduras”.
Mata, thành viên từng cùng Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 cũng nhắc lại một chi tiết đáng nhớ. Tại giải đấu ở Nam Phi, Tây Ban Nha rơi vào bảng đấu cũng có Honduras. Họ cũng thua trận đầu tiên, sau đó thắng Honduras, vào vòng sau và đi thẳng đến chức vô địch. Mata hy vọng kịch bản ấy sẽ lặp lại tại Olympic năm nay.
Honduras đã hòa Marốc 2-2 trong trận ra quân và cho thấy mình không phải là một đối thủ dễ chơi. Tiền đạo Andy Najar đang chơi bóng tại MLS cho DC United thậm chí còn nghĩ lẽ ra Honduras đã phải giành thêm 3 điểm. Anh nói: “Đúng là phải như thế vì chúng tôi thi đấu hơn người”. Khi được hỏi về trận đấu với Tây Ban Nha, Najad bình luận: “Chúng tôi sẽ vào trận với tinh thần thoải mái hơn vì Honduras không có gì để mất. Tây Ban Nha là ứng cử viên, họ sẽ chịu rất nhiều áp lực, nhất là sau khi đã thua trận đầu tiên”.
Trước Honduras, HLV Milla đón chào sự trở lại của Iker Muniain. Tiền đạo của Bilbao phải ngồi ngoài trận đầu vì chấn thương. Phía dưới, Inigo Martinez sẽ bị treo giò nhưng Alberto Botia và Martin Montoya hoàn toàn có thể thay thế xứng đáng.
Với những con người mà Tây Ban Nha hiện có, sẽ là một sai lầm nếu vội gạt tên họ chỉ sau một trận thua. Trận đấu với Nhật Bản phải được xem như một tai nạn nhiều hơn là một dự báo xấu cho đội bóng của Mata, Jordi Alba và Javi Martinez. Một chiến thắng đậm là điều nằm trong tầm tay họ.
- Ma Rốc - Nhật Bản: Chia điểm
1 giờ 45 ngày 30-7, sân St James’ Park
Chiến thắng của Nhật Bản trước ứng cử viên số 1 của giải, Tây Ban Nha khiến người ta ngỡ ngàng về năng lực của đội bóng châu Á. Chẳng ai quên Nhật Bản đã thua tan tác ở Bắc Kinh 2008, nhưng đội bóng của xứ sở mặt trời mọc đã lột xác với hàng loạt ngôi sao mới. Họ đã vượt qua vòng loại dễ dàng khi ghi 17 bàn trong 8 trận. Họ thậm chí đến giải này mà không mang theo ngôi sao Shinji Kagawa - để anh tập trung vào chuyện hòa nhập vào đội bóng mới Man.United.
Ma-rốc chẳng bao giờ ngán các đối thủ châu Á, nhưng đối mặt với một thế lực đang lên như Nhật Bản lúc này quả là không dễ dàng chút nào. Marốc hiểu rằng họ không thể vào tứ kết với 3 trận hòa, nhưng để tìm một chiến thắng thì đây là cơ hội cuối cùng (bởi trận tới gặp Tây Ban Nha họ làm gì có cửa). Ma-rốc sẽ phải tấn công tìm kiếm chiến thắng nhưng cơ hội của họ giờ hết sức mong manh khi Nhật Bản vô tình có trong tay lợi thế lớn.
Nhóm PV