Lời nhắc nhở của Thủ tướng

Thể thao Việt Nam có một kỳ SEA Games cực kỳ thành công, đạt thành tích “vô tiền khoáng hậu”. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa chúng ta đã có một nền thể thao bền vững, phát triển cả chiều sâu lẫn bề rộng và đạt được các yếu tố của thể thao chuyên nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho các VĐV xuất sắc tại SEA Games 31. Ảnh: Bộ VH-TT-DL
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho các VĐV xuất sắc tại SEA Games 31. Ảnh: Bộ VH-TT-DL

Có mặt tại buổi lễ tổng kết và trao thưởng SEA Games 31 được Bộ VH-TT-DL tổ chức vào chiều 1-6 ở Hà Nội, trong bài phát biểu của mình, bên cạnh những lời tuyên dương, khen ngợi những thành tích nổi bật tại một kỳ đại hội lịch sử, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lòng cảm ơn, sự quan tâm sâu sắc dành cho các VĐV chưa giành được huy chương, cũng như những hy sinh, đánh đổi của từng VĐV để mang về vinh quang cho đất nước.

Vinh quang dành cho người chiến thắng, nhưng tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Thể thao Việt Nam có một kỳ SEA Games cực kỳ thành công, đạt thành tích “vô tiền khoáng hậu”. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa chúng ta đã có một nền thể thao bền vững, phát triển cả chiều sâu lẫn bề rộng và đạt được các yếu tố của thể thao chuyên nghiệp. Bên cạnh những người chiến thắng, được nhận thưởng nhờ thành tích thi đấu, thì vẫn còn đó những người vẫn đang vất vả với đời sống để giữ lửa đam mê khi không thể có khoản thu nhập phát sinh từ tiền thưởng. Như Thủ tướng nhấn mạnh, nỗ lực của những người thất bại cũng cần nhận được lời cảm ơn, cần được quan tâm bởi hơn ai hết, họ chính là những người khao khát chiến thắng nhiều nhất ở kỳ tranh tài sắp tới.

Tựu trung vẫn là lời nhắc nhở đến với những nhà quản lý, điều hành nền thể thao Việt Nam không được ngủ quên trên chiến thắng. Chúng ta đã mất hơn hai thập niên đầu tư để có ngày vững vàng ở ngôi số 1 Đông Nam Á, nhưng con đường đi đến một vị thế cao hơn tại châu Á thậm chí có thể còn lâu hơn, tốn kém hơn và cần nhiều sự hy sinh, nỗ lực hơn. Đó không phải là một phép cộng, mà cần đến sự đột biến, quyết liệt trong đầu tư con người lẫn cơ sở vật chất. Để đạt thành tích châu lục và thế giới thì VĐV phải tiếp cận được với trang thiết bị hiện đại, cọ xát liên tục ở nước ngoài. Đó là chưa kể quá trình phát hiện tài năng, đào tạo VĐV cũng sớm hơn, mất nhiều thời gian, chấp nhận nhiều thất bại hơn.

Sự có mặt của người đứng đầu Chính phủ tại một lễ tổng kết ngành thể thao thể hiện mối quan tâm đặc biệt, đồng thời cũng đặt ra một trách nhiệm, một yêu cầu rất rõ ràng về chiến lược phát triển thể thao nước nhà trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, qua 2 kỳ SEA Games được tổ chức trên sân nhà, số lượng cơ sở vật chất xây mới, hiện đại trên toàn quốc vẫn chưa tăng về quy mô, đẳng cấp cũng như công năng, mô hình các CLB thể thao chuyên nghiệp chưa xuất hiện, mức độ xã hội hóa các môn phổ biến không nhiều, VĐV vẫn chưa tự sống bằng “nghề thi đấu”. Những yếu tố đó thuộc về trách nhiệm của nhà quản lý, của năng lực các liên đoàn. Có làm tốt được điều này, thì sự hy sinh của VĐV và những chiến công của họ mới được đền đáp xứng đáng.


Tin cùng chuyên mục