Trước hết, có 3 điểm tích cực được rút ra từ trận 0-0 trước Indonesia. Đầu tiên đó là việc đội bóng của HLV Park Hang-seo vẫn giữ sạch lưới. Mặc dù có nhiều tình huống nguy hiểm hơn, nhưng theo thống kê thì trong toàn bộ trận đấu Indonesia chỉ tung ra được 8 cú sút và chỉ có 2 lần bóng đi đúng hướng, buộc thủ thành Đặng Văn Lâm phải làm việc. Kế đến, đó là số lượng đường chuyền và tỷ lệ chuyền chích xác của Việt Nam cao hơn nhiều so với đội chủ nhà. Các con số này cho thấy sự chủ động về đấu pháp mà HLV Park Hang-seo đã chuẩn bị. Lường trước các khó khăn khi đá ở Gelora Bung Karno, Việt Nam phải chọn lối chơi giữ bóng và triển khai chậm rãi. Nói cách khác, chúng ta hướng đến một trận đấu không thua. Và điểm tích cực cuối cùng, đó là vẫn bảo toàn được lực lượng cho trận lượt về. Với chuỗi không biết chiến thắng trước Indonesia kể từ năm 1996 đến nay, thì chuyện hòa 0-0 cũng không đến mức quá tệ.
Những điểm tích cực nói trên đều đặt trên giả định là đội tuyển Việt Nam chỉ tìm kiếm một trận hòa trên sân khách. Tuy nhiên, cách sắp xếp đội hình với sơ đồ 3-5-1-1 của HLV Park Hang-seo lại cho thấy chúng ta không có ý cầu hòa. Việt Nam xuất phát với 3 tiền vệ đều có xu hướng tấn công trong khi 2 hậu vệ biên thường xuyên xâm nhập vùng cấm địa của Indonesia. Những con người mà HLV Park Hang-seo lựa chọn đều được xem là ưng ý nhất để săn tìm bàn thắng. Và vì vậy, không thể nói hòa 0-0 cùng với việc chỉ tung được 4 cú sút trong toàn trận đấu, là một kết quả tốt.
Trong một thế trận bị đội chủ nhà ép sân, về lý thuyết thì Việt Nam sẽ thuận lợi để đá phản công, lối chơi quen thuộc dưới thời HLV Park Hang-seo. Thực tế thì chúng ta hầu như không tạo được một pha phản công nào trọn vẹn cả, chưa nói gì đến sắc sảo hay có tỷ lệ ăn bàn cao. Hàng tiền vệ của Việt Nam không thoát nổi pressing khi bị quây bắt rất rát từ Indonesia. Bộ ba Hùng Dũng - Hoàng Đức - Quang Hải đều chơi dưới sức mình, không triển khai được đường bóng ra hồn nào và điều đó dẫn đến việc tiền đạo Tiến Linh gần như đói bóng suốt quãng thời gian có mặt trên sân. Không thể phối hợp, không thể sút xa, không có tình huống đá phạt đáng kể nào, có thể nói tuyến giữa và sự sáng tạo của Việt Nam đã bị Indonesia “bóp chết” suốt 90 phút.
Việt Nam may mắn không thua dựa vào sự chắc chắn của “tấm khiên” Đặng Văn Lâm. |
Việc không để thủng lưới kể từ đầu giải cho thấy khả năng thành công của Việt Nam chủ yếu dựa vào sự chắc chắn của tấm khiên phía trước khung thành Đặng Văn Lâm. Nhưng chiếc khiên ấy đang có nguy cơ bị thủng từ hệ thống phía trên nó. Indonesia liên tục khoét vào khoảng giữa của các trụ vệ và những hậu vệ cánh và có đôi lần, họ đưa được bóng vào sát vòng 5m50. Indonesia chỉ thất bại trong việc tìm bàn thắng vì thiếu những cầu thủ biết cách chọn chổ trong vùng cấm nên các quả chuyền ngược không có người tiếp ứng để ghi bàn. Đó là cái dở của họ, nhưng rõ ràng là HLV Shin Tae-yong đã nhìn ra rất rõ lổ thủng lớn trên tấm khiên phòng ngự của Việt Nam.
Đá lượt về trên sân nhà là một lợi thế, nhưng luật bàn thắng sân khách cũng là con dao 2 lưỡi. Xét một cách công bằng, cơ hội để ghi bàn của Indonesia tại Mỹ Đình vẫn cao hơn so với Việt Nam khi mà cách tổ chức lối chơi của họ có bài vở rõ ràng hơn trong khi đội bóng của HLV Park Hang-seo dường như vẫn đang phụ thuộc nhiều vào khả năng hoạt động của 2 hậu vệ cánh. Chúng ta hiện không có tiền vệ trung tâm, còn những ngôi sao như Quang Hải hay Hoàng Đức cũng đang để sự sáng tạo lạc trôi nơi nào.