Liệu cơm gắp mắm

Sau khi FIFA phê chuẩn, công nghệ VAR có thể áp dụng được ngay tại V-League, không phân biệt thời điểm.
Các trọng tài Việt Nam tập huấn điều hành công nghệ VAR cho sân chơi V-League. Ảnh: THANH QUỐC
Các trọng tài Việt Nam tập huấn điều hành công nghệ VAR cho sân chơi V-League. Ảnh: THANH QUỐC

Trong cuộc gặp gỡ giới truyền thông nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hồi cuối tuần rồi, ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cho biết sau khi FIFA phê chuẩn, công nghệ VAR có thể áp dụng được ngay tại V-League, không phân biệt thời điểm. Vấn đề là hiện chỉ có 2 xe VAR chuyên dụng đủ điều kiện chờ cấp phép đưa vào hoạt động. Nghĩa là, VAR có thể chỉ được sử dụng tối đa ở 2 trận đấu của V-League trong cùng thời điểm. Các nhà tổ chức dự kiến chia mỗi vòng đấu ra thành các ngày khác nhau để có thời gian điều chuyển xe VAR từ nơi này đến nơi khác. Bên cạnh đó, vẫn sẽ duy trì chính sách thuê trọng tài nước ngoài điều hành các trận đấu nhạy cảm tại V-League.

Quyết tâm đưa VAR vào V-League là một trong những câu chuyện điển hình của bóng đá và thể thao Việt Nam nói chung. Một công nghệ tiên tiến, tăng tính minh bạch và chất lượng thi đấu nhưng việc triển khai không đơn giản. Vướng mắc đầu tiên là kinh phí khi mỗi xe VAR lưu động có giá 9-11 tỷ đồng, mà đó chỉ mới là xe hoán cải lắp đặt thiết bị chứ không phải chuyên dụng. Mỗi trận đấu áp dụng VAR là phải tốn thêm tiền cho công tác vận hành. Ước tính 70 tỷ đồng được chi để V-League có 3 xe VAR lưu động cho 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.

Nhưng tiền chỉ là một khía cạnh, cái khó hơn là con người. Trọng tài vận hành VAR phải được đào tạo, huấn luyện và phê duyệt, trong khi đội ngũ này ở Việt Nam hiện rất thiếu. Số trọng tài tiêu chuẩn điều hành trên sân đã ít, nay thêm bộ phận VAR sẽ thêm gánh nặng trong khâu đào tạo nhân sự. Chính ông Trần Anh Tú lưu ý ngay cả FIFA có phê chuẩn thật nhanh thì việc triển khai VAR ở Việt Nam cũng phải… từ từ vì nguồn lực hạn chế.

Bấy lâu nay, dư luận vẫn hay đòi hỏi về việc triển khai công nghệ, thiết bị hiện đại cho hoạt động thi đấu, tập luyện thể thao ở Việt Nam nhưng hiếm ai thắc mắc về chuyện tài chính đến từ đâu trong bối cảnh mà nguồn thu từ kinh doanh thể thao tại Việt Nam còn manh mún. Một thống kê cho biết, kinh tế thể thao ở các quốc gia tiên tiến có thể chiếm đến 2%-3% GDP quốc gia, nhưng tại Việt Nam gần như không có số liệu vì... quá nhỏ.

Nhiều môn thể thao trọng điểm đang hướng đến trình độ châu lục, thế giới hiện vẫn dựa vào nguồn đầu tư nhỏ giọt từ ngân sách cho trang thiết bị, cơ sở vật chất. Trong khi, trang thiết bị càng hiện đại, càng mắc tiền thì càng tốn nhiều chi phí bảo trì, sửa chữa. Tóm lại, mọi thứ đều phải có tiền trong bối cảnh mà bóng đá và thể thao ở Việt Nam ngày càng khó thu được tiền từ người xem qua bán vé, bản quyền truyền hình.

Hình dung đến hình ảnh các xe VAR của V-League phải chạy từ nơi này đến nơi khác để làm nhiệm vụ đã thấy thật vất vả. Do đó, việc “liệu cơm gắp mắm” ấy xứng đáng được xem như một nỗ lực vượt bậc từ những nhà điều hành bóng đá Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Tin cùng chuyên mục