Lần thứ 3 cho Khánh Hòa

Sau khi được FIFA dỡ bỏ lệnh cấm chuyển nhượng, CLB bóng đá Khánh Hòa cũng đã xác nhận thi đấu tại giải hạng Nhất. Có thông tin cho biết địa phương đang xúc tiến để bàn giao đội bóng cho doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh là Khatoco.

Trận Nam Định - Khánh Hòa cuối mùa bóng trước, thời điểm Khánh Hòa đã xuống hạng sớm 2 vòng
Trận Nam Định - Khánh Hòa cuối mùa bóng trước, thời điểm Khánh Hòa đã xuống hạng sớm 2 vòng

Khatoco không phải là cái tên mới. Doanh nghiệp này chính là nhà tài trợ đầu tiên ở thời điểm mà Khánh Hòa được chơi V-League lần đầu hồi 2006. Từ đó đến nay, Khánh Hòa đã có đến 3 lần rời khỏi V-League, mỗi lần là một phiên hiệu khác nhau với chu kỳ tồn tại của họ ngày càng ngắn. Từ chỗ đá được 7 mùa dưới thời quản lý của Khatoco và sau đó chuyển giao suất đá V-League cho Hải Phòng (2014), sau đó là 5 mùa dưới cái tên Sanna Khánh Hòa và mới nhất là chỉ 2 mùa khi mang tên Khánh Hòa Sports. Cả 3 lần rời V-League, nguyên nhân chính vẫn là nhà tài trợ không gánh nổi chi phí vận hành.

Nhìn nhận một cách công bằng, thì từ 2006 đến nay mà Khánh Hòa đã chơi được 14 mùa V-League, đó là con số rất đáng chú ý. Nó cho thấy đây là nền bóng đá giàu nội lực và có khao khát đỉnh cao. Kế đến, rõ ràng là họ cũng không đến mức khốn khó về tài chính đến mức phải “bỏ” luôn bóng đá cho đỡ gánh nặng.

Khánh Hòa là một trường hợp điển hình cho nỗi vất vả làm bóng đá chuyên nghiệp. Họ có thực lực và truyền thống nên khi xuống hạng thì cũng nhanh chóng trở lại đỉnh cao, nhưng dù có nhiều bài học trong quá khứ, thì vẫn không giải nỗi bài toán tài chính dài hạn. Địa phương cũng đã có giải pháp thành lập quỹ phát triển bóng đá, kỳ vọng sẽ thu hút được 20-25 tỷ đồng từ các doanh nghiệp trong tỉnh nhưng đến nay cũng chỉ thu chưa đầy 9 tỷ đồng …coi như là “muối bỏ bể”.

Đã lần thứ 3 trở về hạng nhất. Có đủ bài học cũng như biết rõ sức mình đến đâu. Trường hợp của Khánh Hòa có lẽ phải có hẳn một chiến lược riêng với mô hình “có gì, dùng nấy”? Ví dụ như ở hạng Nhất thì cân đối được nguồn tài chính 20-25 tỷ, thì khi thăng hạng cũng đừng làm phình to ngân sách, đừng cố gắng phải trụ hạng bằng mọi giá để rồi phải tốn nhiều tiền mua sắm cầu thủ. Thực tế thì ngay tại giải ngoại hạng Anh, mùa bóng vừa qua 3 đội vừa lên hạng đã ngay lập tức xuống hạng. Tỷ lệ lên – xuống ngắn ngủi như vậy chiếm đến 75%. Nghĩa là dù có thêm tiền đầu tư khi thăng hạng thì cũng chưa bảo đảm sẽ trụ được …

Nói cách khác, với truyền thống và những gì đã có, Khánh Hòa nên chọn con đường tập trung vào công tác đào tạo trẻ thông qua nguồn ngân sách sự nghiệp của địa phương, dùng lực lượng tại chỗ để thi đấu hạng Nhất với quỹ hoạt động ổn định. Có thăng hạng cũng không vội vã bổ sung, đầu tư quá nhiều về lực lượng, có thi đấu không tốt và phải xuống hạng thì cũng chấp nhận. Có như vậy thì mới đủ sức làm bóng đá chuyên nghiệp lâu dài và bền vững.

Tin cùng chuyên mục