Lại chuyện “gặt lúa non”

Việc Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam (VFF) chấp nhận đưa đến 7 cầu thủ trong đội tuyển U.20 Việt Nam vào danh sách đội tuyển quốc gia không làm ai bất ngờ, bởi những người quan tâm đến bóng đá Việt Nam đã quá quen với kiểu “gặt lúa non” này từ lâu.
 
Các cầu thủ trẻ đang phát triển theo từng lứa tuổi, nhưng nếu sớm đẩy lên đẳng cấp quốc gia có thể sẽ sớm mai một sự nghiệp Ảnh: HOÀNG MINH
Các cầu thủ trẻ đang phát triển theo từng lứa tuổi, nhưng nếu sớm đẩy lên đẳng cấp quốc gia có thể sẽ sớm mai một sự nghiệp Ảnh: HOÀNG MINH
Trẻ chưa chắc đã… khỏe

Đơn cử như cách đây 2 năm, dù chỉ mới giành được vé dự vòng chung kết Asian Cup lứa tuổi U.19, nhưng những người đứng đầu VFF đã “mạnh dạn” yêu cầu đưa lứa cầu thủ tuổi teen chủ yếu đến từ Học viện HA.GL - Arsenal đá vòng loại World Cup 2018. Kết quả ra sao thì chúng ta đều biết và cho đến thời điểm này, các cầu thủ đó còn chưa thể khẳng định năng lực của mình ở V-League nên cũng chưa phải là trụ cột ở đội tuyển quốc gia nếu so với những đàn anh khác. 

Những thành tích đáng kể nhất của bóng đá Việt Nam hơn 40 năm qua như chức vô địch AFF Cup 2008 hay lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 đều ghi nhận độ tuổi trung bình của đội tuyển quốc gia vào khoảng 25 - 27 tuổi. Qua đó, các tuyển thủ đều phải trải qua ít nhất 5 năm chơi bóng tại V-League dù họ ở độ tuổi nào. Ngay ở các nền bóng đá tiên tiến, người ta có thể không quan tâm đến độ tuổi của cầu thủ, nhưng dứt khoát việc tuyển chọn phải dựa trên quá trình thi đấu đỉnh cao, đang chơi bóng thường xuyên tại các CLB hàng đầu quốc gia.

Việc đội tuyển U.20 Việt Nam dự World Cup chắc chắn là thành công lớn của công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, cho thấy chúng ta đang có một thế hệ cầu thủ tốt. Tuy nhiên, việc dự World Cup không đồng nghĩa với đẳng cấp của bóng đá Việt đã ngang bằng với thế giới, thì chuyện các cầu thủ U.20 đá World Cup cũng không thể cho rằng họ đã đủ năng lực để thay thế những đàn anh có gần chục năm kinh nghiệm thi đấu ở V-League. 

Dục tốc, bất đạt

Cứ cho rằng các cầu thủ U.20 đang ở một trình độ cao, nhiều người trong số họ cũng đang chơi bóng tại V-League, nhưng bóng đá Việt Nam đã có quá nhiều bài học đắt giá về chuyện “gặt lúa non”. Thế hệ cầu thủ U.23 của những năm 2003 đã sa sút rất nhanh về đạo đức lẫn tài năng chỉ vì họ được sử dụng quá sớm nhưng lại thiếu những trang bị cần thiết để tránh “bệnh ngôi sao”. Hoặc thế hệ của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đang có dấu hiệu chậm lại hoặc dừng hẳn về sự phát triển tài năng do phải thi đấu từ quá sớm. Trên thực tế, thể trạng của cầu thủ Việt Nam nằm dưới mức trung bình của thế giới, quãng thời gian thi đấu đỉnh cao cũng ngắn hơn, nên nếu có được những tích lũy nhiều hơn thì cơ hội duy trì sự nghiệp sẽ dài hơn. Ngược lại, các chấn thương khi còn quá trẻ có thể sẽ khiến cầu thủ kết thúc sự nghiệp ngay ở lúc đỉnh cao và việc tiền vệ Tuấn Anh phải mổ chấn thương khi mới 22 tuổi là tín hiệu báo động.
Ở một góc độ khác, nền bóng đá Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình kém, có thêm một vài cầu thủ được cho là “đẳng cấp World Cup” như U.20 thì đội tuyển quốc gia cũng không vì thế sẽ vượt tầm Đông Nam Á. Không lẽ gọi họ lên tuyển mà không sử dụng, nhưng nếu đưa họ ra sân thi đấu, chẳng khác nào chúng ta đang đối diện với nguy cơ sẽ đánh mất đi một thế hệ cầu thủ có khả năng phát triển nhiều hơn trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục