Rắc rối nằm ở chỗ, đây là CLB bóng đá, nơi không có khả năng sản xuất kinh doanh sinh lợi, mặc dù về pháp lý, nó hoạt động theo pháp nhân công ty. Cầu thủ lại là một nghề nghiệp đặc biệt, không sống trên mức lương cơ bản theo quy định của pháp luật. Ví dụ như cầu thủ không chịu ra sân thi đấu thì xem như không làm việc và không thể nhận lương. Họ có muốn nghỉ việc để bỏ đi chỗ khác, cũng cần phải đến kỳ chuyển nhượng chung. Đấy có thể là lý do mà dù bị nợ lương nhiều tháng trời, họ vẫn phải ra sân thi đấu vì… đằng nào cũng thế.
Ở châu Âu, cầu thủ có tổ chức công đoàn riêng, được biết đến như các hiệp hội cầu thủ nhà nghề nhằm đấu tranh cho quyền lợi của mình. Trong bóng đá, cũng có tòa án riêng để phân xử, bởi các CLB bóng đá chịu sự chế tài từ quy định của các tổ chức quản lý bóng đá nên cầu thủ sẽ được bảo vệ nhiều hơn. Tất nhiên, tại Việt Nam, không có những định chế này để hỗ trợ cầu thủ, đó là một thiếu sót không nhỏ trong bộ máy bóng đá.
Cũng vì sự thiếu sót này, các cầu thủ cũng chẳng biết phải tiến hành các thủ tục pháp lý ra sao để bảo vệ quyền lợi cho mình. Những khoản thu nhập từ thưởng dựa trên thành tích thi đấu, tiền “lót tay” chuyển nhượng, đôi khi là nguồn tài chính quan trọng nhất của họ, nhưng rất khó để pháp luật ghi nhận các khoản tiền chủ yếu là thỏa thuận, để ngoài hợp đồng lao động này. Đôi khi chỉ cần một trận thắng, tiền thưởng đã nhiều hơn tiền lương hàng tháng. Đặc thù của bóng đá là thế, nhằm kích thích tinh thần thi đấu của cầu thủ. Bản thân các cầu thủ, khi đội nhà thua, họ cũng khó mà vui vẻ nhận tiền lương. Nói cho cùng, những người quản lý CLB cũng đâu muốn thuê cầu thủ rồi cứ đá thua, xuống hạng.
Đây là khoảng trống về cơ chế quản lý. Các CLB không cần phải ký quỹ số tiền tối thiểu để bảo đảm đủ năng lực trả lương. Cầu thủ thì nghĩ về thưởng, về lót tay nhiều hơn là lương. Các CLB thì chủ yếu dựa vào nguồn tiền tài trợ. Nên khi không có nhà tài trợ, cầu thủ cũng chẳng biết CLB lấy đâu ra tiền để trả cho mình.
Vì sự lỏng lẻo ấy, nên nảy sinh một vấn đề nhạy cảm, đó là khả năng cầu thủ “làm kinh tế tư nhân”. Ví dụ như CLB Than Quảng Ninh, họ đang chơi tưng bừng ở LS V-League, gần như đã trụ hạng thành công. Nay cầu thủ “lãn công”, ra sân không chịu đá bóng, thì chẳng khác nào mang “biểu hiện tiêu cực”. Họ đá thắng, cũng chẳng có thưởng. Họ đá thua, thì sẽ có dư luận cho rằng cố tình “làm độ”, hoặc bị tác động bởi các đội bóng khác.
Kiểu gì cũng dở!