Khi ngày vui trở thành ngày... chửi

Nhật báo Guardian (Anh) số ra hôm qua gọi đó là một trong những buổi chiều thi đấu quái lạ nhất, ở một trong những mùa bóng kỳ lạ nhất của Chelsea.

Khán giả Stamford Bridge liên tục bày tỏ thái độ ủng hộ Jose Mourinho, dù ông không còn đó. Ngược lại, họ tới tấp phản đối và thậm chí chửi rủa một số vị trí chính của Chelsea, dù hôm ấy đội hình Chelsea đã cống hiến khá nhiều pha bóng tấn công nhiệm màu và thắng Sunderland 3-1.

Tuy nhiên, thà họ thẳng thắn như thế mà lại dễ xử. Ngồi gần nhà tỷ phú Abramovich, tân HLV Hiddink chắc cũng chỉ cần 90 phút ấy để định hình được những gì cần làm...

1.Những khán giả nghiêm khắc sẽ bảo rằng thắng Sunderland thì... có gì mà hay! Gặp đối thủ tấn công tầm thường và phòng ngự nhiều sơ hở đến vậy mà Diego Costa vẫn bỏ lỡ ít nhất 2 cơ hội tốt, Cesc Fabregas vẫn không chuyền được một đường chuyền đặc sắc nào. Đã vậy, hàng thủ lại nhiều lần lơi lỏng ngay tại khu vực yết hầu. Nếu đây không phải Sunderland mà là một đối thủ chất lượng hơn, ắt hẳn Chelsea đã phải nhận những tổn thất lớn lao hơn nhiều.

Trái lại, những cái đầu ôn hòa và rộng lượng - khá nhiều bình luận viên quốc tế có thái độ như vậy - đã tỏ ra thiện chí với trận đấu đầu tiên và chiến thắng đầu tiên trong thời kỳ hậu Jose Mourinho. Đúng là Chelsea đã lơi lỏng, nhưng những Matic-Terry-Zouma chỉ lơi lỏng sau khi dẫn 3 bàn nhờ công Ivanovic, Pedro và quả 11m của Oscar. Quả là Costa và cả Pedro cũng như Oscar đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, nhưng điều đó vẫn không phủ nhận được thực tế: Có nhiều lúc dàn tấn công Chelsea đã trình diễn y như giai đoạn vàng son nhất trong chiến dịch 2014-2015.

2.Thật vậy, đã khá nhiều lần (nhất là ở hiệp 1) cái tam giác tấn công Oscar-Pedro-Willian làm cho toàn bộ cầu trường phải ngậm miệng dán mắt vào những pha phối hợp giữa họ với nhau. Đã có Matic cai quản khu trung tuyến, họ tự tin cầm bóng, mạnh dạn bật tường, đôi lúc còn hứng chí đánh gót và luôn sẵn sàng đan bóng qua những khu vực phòng ngự đông đúc nhất của đối phương. Trên một phương diện nào đó, họ thi đấu như thể đã vứt bỏ được một gánh nặng, đã thoát khỏi một cái “ách” nào đó.

Và bàn thắng cũng đã đến rất nhanh, rất dễ dàng. Ivanovic mạnh mẽ đánh đầu ở phút thứ 4. Pedro mau lẹ ra chân ở phút thứ 13. Oscar ung dung sút 11m ở phút 50, sau khi Willian bị thủ môn đối phương phạm lỗi. Những màn trình diễn ấy, sự nhanh chóng thoải mái ấy là điều chưa từng có trong 4 tháng kể từ lúc mùa bóng bắt đầu đến lúc chia tay Mourinho. Đồng thời, như các bình luận viên của ESPN đã ghi nhận, những Ivanovic-Pedro-Oscar cũng chưa bao giờ chơi tốt đến thế ở mùa giải này.

Bởi vậy, câu hỏi lớn nhất và... cay nhất của ESPN cũng là tại sao trước đây Chelsea không đá như vậy.

3.Khán giả Chelsea dường như đã có sẵn câu trả lời. Đầu trận, họ la lối khi tên của Costa và Fabregas được xướng lên trong danh sách thi đấu. Mỗi lần 2 cầu thủ này chạm bóng, họ la ó. Lúc Costa và Fabregas được thay ra, họ la chộ lần nữa. Và tất nhiên, những con người ấy không chỉ mang âm thanh phản đối vào sân bóng. Giữa muôn vàn chiếc mặt nạ hình gương mặt Mourinho, giữa những biểu ngữ lớn bày tỏ sự kính trọng nhà cầm quân “đơn giản là số một”, còn có vài tấm biểu ngữ kết tội 3 cầu thủ Costa-Fabregas-Hazard là những kẻ mưu phản, coi họ như “3 con chuột” (!).

Tiền đạo Diego Costa (Chelsea) đi bóng trước hàng phòng ngự Sunderland.

Vậy là quá rõ rồi. Dưới mắt những khán giả ấy, thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng quái ác vừa qua là các vị trí cốt cán trong đội hình - và Mourinho yêu quý của họ chỉ là một nạn nhân. Đội hình Chelsea - cũng vẫn thành phần Mourinho thường sử dụng - càng chơi tốt thì càng bị xem như là để lộ chân tướng, càng trình diễn đẹp mắt thì càng cho thấy trước đây đã bất hợp tác với Mourinho như thế nào. Và điều này chỉ làm cho khán giả tức thêm. Trong cả 3 lần Chelsea ghi bàn, họ đều hô to tên Mourinho. Riêng ở bàn 2-0 của Pedro, có người gào lên rằng “lúc đội bóng còn thi đấu như thổ tả, chúng mày đã ở đâu?”.

4.Ngồi gần bên phải Abramovich, đương nhiên tân HLV trưởng Hiddink đã nghe hết, thấy hết, cảm nhận được hết. Lúc Ivanovic mở tỷ số, cả cầu trường gầm lên “hãy đứng dậy vì Jose!” (nhưng Abramovich... vẫn ngồi), âm thanh ấy dữ dội quá mà. Tình cảm dành cho Mourinho quá lớn, cơn thịnh nộ dành cho cầu thủ cũng quá lớn. Làm thế nào để ông Hiddink chọn cho mình một chỗ đứng phù hợp với khung cảnh này, đó là cả một vấn đề - hầu hết báo chí Anh đều bình luận như vậy.

Nhưng hãy đặt một câu hỏi ngược lại: Liệu vấn đề của Hiddink có khó đến độ không làm nổi? Không, sẽ chẳng đến mức như vậy, thậm chí có thể còn ngược lại. Hiddink vốn là một HLV giàu năng lực và đầy kinh nghiệm. Với 4 tháng cầm quân tạm thời cho Chelsea cùng với chức vô địch Cúp FA năm 2009, ông sẽ dễ chiếm được thiện cảm của người hâm mộ. Và ông sẽ mau chóng làm được điều đó hơn nhờ trình độ cao của đội hình Chelsea.

5.Thật vậy, trận thắng Sunderland cho thấy một thứ rất quan trọng: Cầu thủ Chelsea vẫn có thể làm được nhiều điều, nếu chịu làm. Một khi Hiddink dẫn dắt dàn cầu thủ này tìm được chiến thắng nối tiếp chiến thắng và từng bước ổn định đi lên, Jose Mourinho sẽ chỉ còn như một kỷ niệm đẹp trong lòng người hâm mộ. Suy cho cùng, dù Mourinho “chánh nghĩa” (như giới mộ điệu Chelsea đang quan niệm) hay Mourinho sai lầm khi tạo ra căng thẳng và chia rẽ với cầu thủ (như giới chuyên môn đã vạch ra) thì mọi chuyện cũng đã là quá khứ rồi...

Hưng Nguyên

Tin cùng chuyên mục