Khi cổ động viên quay lưng

Hội cổ động viên bóng đá Nam Định đã thành lập được 10 năm và cổ vũ cho đội bóng quê nhà từ khi đội còn đá tại giải hạng nhì. Điều này cho thấy sự nghiêm túc của các CĐV, đặc biệt là ở các đội bóng còn nặng tính địa phương như Nam Định.

Nam Định mất đến 7 năm ở giải hạng nhì, thêm 4 năm ở giải hạng nhất. Từ khi thăng hạng V-League năm 2018 đến nay, mặc dù không có cơ hội vô địch nhưng sân Thiên Trường luôn đông khán giả. Trong tốp 5 trận đấu đông khán giả nhất mỗi mùa giải, thì sân Thiên Trường góp mặt ít nhất 2 trận.

Sức mạnh từ khán đài là yếu tố quan trọng để Nam Định trụ hạng nhiều năm qua, trước khi “đổi đời” khi chuyển tên thành Thép Xanh Nam Định. Nhưng ở lúc tưởng là “thái lai” thì chính Hội CĐV Nam Định lại tuyên bố không còn ủng hộ đội nhà nữa vì cho rằng CLB không còn là đội bóng của họ như trước đây.

Cách ra đời cũng như kết thúc của Hội CĐV Nam Định phần nào khái quát được thực trạng của các hội, nhóm cổ động ở bóng đá Việt Nam. Dù có được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép hay không, thì các Hội CĐV có khá ít “quyền lực” với đội bóng của họ. Ở chiều ngược lại, cũng không nhiều CLB thực sự thấy được những tác động của các CĐV đối với sự tồn tại của đội bóng. Thế mới có chuyện, phản ứng của các CĐV Nam Định là đốt áo, ném trống thay vì có thể trao đổi, phản đối trực tiếp với ban điều hành CLB. Bản thân đội bóng cũng phản ứng khá tệ, khi thuê các nhóm cổ vũ vào sân để thay hình ảnh của các CĐV chân chính.

Vì tính chính danh không có, nên mới có trào lưu thành lập những nhóm Ultras, Contras có cách cổ vũ sôi động nhưng hoạt động mang màu sắc cực đoan, phát triển độc lập với các hội CĐV. Với các hội, nhóm bình thường mà CLB còn ngại hợp tác, quản lý thì với những nhóm cổ động mang quan điểm mạnh hơn, CLB lại càng ngại quan hệ. Từ đó, mối liên kết với CĐV ngày càng xa hơn thay vì phải “môi hở, răng lạnh” để cùng lo cho sự phát triển của đội bóng.

Trước đây có một số ý tưởng về việc phát hành cổ phần CLB cho các CĐV, qua đó tạo cơ sở để CĐV tham gia vào các quyết định quan trọng của đội bóng. Nhưng đến nay, ý tưởng đó chẳng còn được nhắc đến. Hội CĐV Nam Định quyết định giải thể vì họ nhận ra một sự thật đau lòng: CLB không quan tâm đến suy nghĩ của họ. Đây là một thực tế cần phải thay đổi ở bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bởi chỉ có đá bóng phục vụ người hâm mộ thì mới có những trận đấu trung thực, chơi hết sức vì màu cờ sắc áo.

Tin cùng chuyên mục