Khi các “mầm non” thể thao đua tài

Thể thao Việt Nam luôn vận động và hệ thống giải thi đấu trẻ, nhóm tuổi trẻ chính là nơi mà các HLV, chuyên gia có cơ hội tìm được những gương mặt triển vọng để bồi dưỡng phát triển thành tích cao ở tương lai xa.

VĐV trẻ của TDDC Cần Thơ tranh tài tại giải vô địch trẻ và nhóm tuổi trẻ toàn quốc 2022. TDDC Cần Thơ mới hình thành cách đây 5 năm nhưng đã có lứa VĐV ra tranh tài. Ảnh: NGUYỄN MINH.BCT
VĐV trẻ của TDDC Cần Thơ tranh tài tại giải vô địch trẻ và nhóm tuổi trẻ toàn quốc 2022. TDDC Cần Thơ mới hình thành cách đây 5 năm nhưng đã có lứa VĐV ra tranh tài. Ảnh: NGUYỄN MINH.BCT

Cần Thơ lần đầu tiên tổ chức giải vô địch trẻ và nhóm tuổi trẻ thể dục dụng cụ toàn quốc 2022 thời điểm hiện tại. Trong ngày khai mạc 28-7, 120 VĐV trẻ và nhóm tuổi trẻ đã góp mặt đua tài và chờ đợi những ngày thi đấu hấp dẫn tiếp theo ở địa phương miền Tây mến khách này.

Giới chuyên môn luôn nhận định, thể dục dụng cụ là môn khó từ khâu tuyển chọn VĐV năng khiếu tới bồi dưỡng đào tạo phát triển thành tài do con người hiếm. Thường nhật nhiều năm, giải thể dục dụng cụ trong nước quen thuộc 4 đơn vị cử VĐV tham dự gồm Hà Nội, TPHCM, Quân đội và Hải Phòng. Bây giờ, thể thao Cần Thơ đã và đang bồi dưỡng lứa VĐV thể dục dụng cụ trẻ (bắt đầu từ năm 2016) và năm nay nơi đây là đơn vị thứ 5 có VĐV tranh tài giải trẻ, nhóm tuổi trẻ. Nhìn những cô bé, cậu bé còn nhỏ tuổi quen tập với xà đơn, xà kép, vòng treo, giữ thăng bằng trên thanh cầu... đủ thấy người làm nghề nỗ lực huấn luyện thế nào mới được thành công bước đầu như vậy.

“Tìm được một VĐV trẻ đã khó, làm thế nào để gia đình các em gật đầu cho con em mình tập thể thao thể dục dụng cụ cũng không dễ nhưng chúng tôi luôn hy vọng môn thể thao này vẫn có cơ hội phát triển”, phụ trách bộ môn TDDC (Tổng cục TDTT) – ông Bùi Trung Thiện từng phân tích.

Tại địa điểm thi đấu chính là Nhà tập Thể dục dụng cụ và Nhà tập Võ thuật - Trung tâm Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ, sự sôi động dễ gặp bây giờ vì các “mầm non” của TDDC trong cả nước không nhiều cơ hội được tham gia một giải thuộc hệ thống quốc gia như vậy. Quan trọng hơn, các bạn nhỏ, bạn trẻ thêm cơ hội giao lưu thực tế trò chuyện hiểu hơn về môi trường tập luyện TDDC mà bạn mình đang theo tập ở từng địa phương khác nhau.

Bỏ qua sự vất vả trong thi đấu và tập luyện, chỉ cần nhìn những gương mặt vẫn tươi vui sau những bài biểu diễn là người làm nghề đều hiểu các cô bé, cậu bé ở độ tuổi U7, U9, U 11, U13, U15 của nam hay U6, U8, U10, U12 nữ chẳng nề hà thể hiện hết mình. Những bài biểu diễn của họ có thể chưa hoàn hảo hoặc đủ thành công nhưng khi đã bước vào biểu diễn, nỗi sợ của tuổi nhỏ là tan biến và thay vào đó, VĐV trẻ có sự hứng khởi, sự quyết tâm chinh phục những bài thi đề ra.

Cùng lúc, nhà thi đấu tỉnh Bắc Kạn nhộn nhịp hơn thế do là nơi quy tụ hơn 800 tay vợt nhí trong cả nước tề tịu, tranh tài bóng bàn trẻ thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Nhà tổ chức kỳ vọng, đây là sân chơi để tìm được các tài năng mới cho bóng bàn Việt Nam nhưng với mỗi gia đình có con em góp mặt, điều trên hết họ chờ đợi đó là con mình được một trải nghiệm thi đấu chuyên môn để thêm tích lũy với bóng bàn.

Nhìn những tay vợt nhí có thể chiều cao còn chưa nhỉnh hơn mặt bàn thi đấu bao nhiêu nhưng khi ra thi đấu, họ vẫn hết mình để thắng không kiêu, bại không nản. Hay những tay vợt trẻ còn chưa thuần thục để có kỹ thuật giao bóng đúng quy định, tuy vậy từng người ra thi đấu là không bỏ cuộc. Bóng bàn Việt Nam có những tay vợt tên tuổi qua nhiều giai đoạn, mới nhất đang là Nguyễn Đức Tuân, Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Khoa Diệu Khánh, Trần Mai Ngọc... nhưng bản thân họ cũng từng trải qua quá trình tập luyện và trưởng thành từ những giải thanh thiếu niên như thế này.

VĐV bóng bàn trẻ Quảng Ngãi thi đấu tại Bắc Kạn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Ảnh: TIẾN HÙNG

“Chúng tôi ghi nhận nhất là các địa phương chưa có điều kiện đào tạo phát triển chuyên môn về bóng bàn nhưng vẫn gửi quan tham dự giải. Có thể kể tới như Tuyên Quang, Quảng Ngãi. Khi mỗi địa phương có một đội lứa tuổi tham dự cũng có nghĩa phong trào bóng bàn dần được phát triển tốt hơn và rộng khắp hơn. Đây mới là điều mà người làm nghề rất trân trọng”, Tổng thư ký Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đồng thời là phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) – ông Phan Anh Tuấn trao đổi.

Trước đó, đầu tháng 7, Kon Tum được làng điền kinh cả nước dõi theo bởi địa phương là nơi lần đầu tổ chức giải vô địch các nhóm tuổi trẻ toàn quốc 2022. Hơn 670 VĐV của 59 đơn vị cả nước góp mặt thi đấu vẫn cho thấy điền kinh là môn thu hút đông đảo lực lượng tranh tài nhất ở thế thao trong nước dù đó là hệ trẻ, nhóm tuổi hay vô địch quốc gia. Trong một năm, cơ hội dự giải hệ thống quốc gia như vậy của VĐV điền kinh trẻ, nhóm tuổi của mỗi địa phương chỉ một lần nên tất cả đều trân trọng và nỗ lực hết mình.

“Từ giải, điền kinh địa phương có cuộc kiểm tra tốt để bồi dưỡng chuyên môn VĐV trẻ triển vọng cho tương lai. Chúng tôi là những nhà quản lý nên luôn kiểm tra theo dõi quân số, số lượng đăng ký qua từng năm để từ đó có những chiến lược phát triển đối với các chương trình thi đấu, tập huấn VĐV trẻ, nhóm tuổi”, Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam – ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi.

Tin cùng chuyên mục