Khi bóng chuyền vắng khán giả

Xuyên suốt 1 năm đã qua của bóng chuyền - môn thể thao từng được yêu thích nhất, nhì tại Việt Nam - là câu chuyện khán giả ngày càng ít tới theo dõi. Đó là điều khiến giới làm nghề không khỏi chạnh lòng.
Khi bóng chuyền vắng khán giả

Xuyên suốt 1 năm đã qua của bóng chuyền - môn thể thao từng được yêu thích nhất, nhì tại Việt Nam - là câu chuyện khán giả ngày càng ít tới theo dõi. Đó là điều khiến giới làm nghề không khỏi chạnh lòng.

GIẢI TOÀN QUỐC “Ế” VÉ

Chỉ trước đó 1 năm (2011), những người tâm huyết với bóng chuyền đã hỉ hả thế nào khi số khán giả tới các nhà thi đấu tại Thái Nguyên và Nha Trang chật kín. Mừng thật là mừng vì lâu lắm rồi lượng khán giả tới xem bóng chuyền ở giải quốc gia phải giành giật nhau từng tấm vé vào cửa đến vậy. Chuyện đó lại không diễn ra ở mùa giải 2012. Đi hết cả 2 lượt đi - về thì ở tất cả các địa điểm tổ chức tại Quảng Ninh, Hải Dương, Đắk Lắk, TPHCM hoàn toàn vắng khán giả.

Nếu lượt đi, sự cố nhà thi đấu tại Quảng Ninh do ảnh hưởng của thời tiết khiến Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) phải thay đổi địa điểm thi đấu thì trong lượt về, dù có đội chủ nhà Maseco TPHCM góp mặt, nhưng nhà tổ chức cũng không thể kéo khán giả tới lấp kín khán đài trong nhà thi đấu. Cũng trong tình cảnh tương tự, khán giả Đắk Lắk cũng ít tới theo dõi. Mà theo ghi nhận từ báo giới, sự vắng bóng nhiều phần ảnh hưởng do người dân địa phương còn phải đi làm rẫy, thu hoạch vụ mùa.

Nhiều trận đấu ở giải VĐQG trước khán đài trống vắng khiến giới chuyên môn không khỏi chạnh lòng. Ảnh: Vân Nguyệt

Nhiều trận đấu ở giải VĐQG trước khán đài trống vắng khiến giới chuyên môn không khỏi chạnh lòng. Ảnh: Vân Nguyệt

Không chỉ có tại giải VĐQG. Như giải Siêu cúp Đạm Phú Mỹ tổ chức ở Hà Tĩnh, dù có đầy đủ các CLB hàng đầu góp mặt nhưng khán đài vẫn trống trơn. Chưa kể, ngay trước đó, sau nhiều năm khán giả mới được theo dõi ĐTQG nam thi đấu trên sân nhà ở một giải quốc tế châu lục là cúp bóng chuyền nam châu Á 2012. Vậy nhưng, khán giả tới Nhà thi đấu Vĩnh Phúc khi đó rất nhỏ giọt, thưa thớt.

Bất ngờ là khi những giải thuộc hệ thống thi đấu chính thức do VFV tổ chức (như đã kể trên) thì khán giả vào sân rất ít trong khi những giải mời, có tính chất giao hữu được các đơn vị khác tổ chức lại câu kéo khán giả đông đảo. Có thể kể tới những giải đấu như cúp bóng chuyền Hoa Lư, cúp bóng chuyền mùa xuân-Liên Việt, cúp bóng chuyền quốc tế VTV, cúp bóng chuyền quân đội mở rộng…

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Đi tìm lời lý giải có thể có nhiều và chúng tôi cũng không dám lạm bàn về vấn đề chuyên môn bởi đó là việc chuyên sâu mà những nhà quản lý VFV hay các CLB đều nắm rõ. Ở đây, phải khẳng định công tác làm truyền thông mà VFV đang tổ chức chưa tốt. Nếu không muốn nói là yếu. Minh chứng rất rõ, khi các giải đấu do những đơn vị được độc lập tổ chức, không nhờ tới kênh thông tin của VFV là tuyệt nhiên được ủng hộ và thu hút đáng kể khán giả. Chắc chắn, sẽ khó vin vào cớ khó khăn tài chính để làm công tác truyền thông bởi nhà tài trợ luôn dành những chi phí đáng kể cho công việc này.

Bản thân những người làm nghề cũng khẳng định, có rất nhiều giải đấu quốc nội, công tác tuyên truyền để người dân địa phương biết đang có tổ chức ở địa điểm đó thôi, VFV làm cũng không tốt. Đó là lý do vì sao, TPHCM có số lượng dân cư lớn nhất nước nhưng người biết có giải VĐQG tổ chức tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn Đắc Lắc vốn là địa điểm kéo khán giả nhiều nhất, rất ít người biết có giải VĐQG được tổ chức.  

NGUYỄN ĐÌNH


NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG NHỚ

2013 - KHÔNG CÓ NGOẠI BINH

Theo thông báo chính thức từ VFV, 2012 là năm cuối cùng cho phép cầu thủ ngoại được thi đấu tại giải VĐQG. Từ năm 2013, chấm dứt việc cầu thủ ngoại chơi bóng ở giải VĐQG.

ĐỔI MỚI TRIỆT ĐỂ ĐTQG

Sự thất bại tại SEA Games 26-2011 của đội nam và việc đội nữ “mất” chuyên gia Trung Quốc vào phút chót cũng tại SEA Games này đã khiến VFV phải tiến tới thay đổi triệt để Ban huấn luyện cả 2 ĐTQG. Sau nhiều năm, ông Phạm Văn Long - HLV đội Thông tin Lienvietpostbank - đã được triệu tập để đảm nhiệm vị trí HLV trưởng đội bóng chuyền nữ quốc gia. Về nam, HLV kỳ cựu Nguyễn Mạnh Hùng được thay thế bằng HLV Phùng Công Hưng của Thể Công-BĐ 15. Tuy nhiên, đội tuyển năm qua cũng vắng bóng những gương mặt hàng đầu.

Về đội nữ, chủ công Bùi Thị Huệ tạm nghỉ thi đấu và xin phép không tập trung. Về nam, sau rất nhiều năm góp mặt, lần tập trung 2012 thì “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều (S.Khánh Hòa) cùng Huỳnh Văn Tuấn (M.TPHCM) đã không lên tuyển. Chủ công Ngô Văn Kiều đã không thi đấu cả vòng 1 để dưỡng thương sau phẫu thuật còn Huỳnh Văn Tuấn xin tạm rút lui để tập trung tối đa cho nhiệm vụ tại CLB.

Trận tuyển Việt Nam thua Nhật Bản 0-3 ở cúp châu Á tại Vĩnh Phúc hồi đầu tháng 9.

Trận tuyển Việt Nam thua Nhật Bản 0-3 ở cúp châu Á tại Vĩnh Phúc hồi đầu tháng 9.

CÁC CÔ GÁI XUẤT SẮC Ở QUỐC TẾ

Lần đầu tiên trong lịch sử, đội nữ quốc gia đã xếp hạng 4 tại giải bóng chuyền cúp châu Á tổ chức ở Amalty (Kazakhstan). Dù khởi đầu chúng ta để thua Trung Quốc 0-3 nhưng với những trận thắng 3-1 trước Iran, 3-2 trước Nhật Bản, 3-2 trước Hàn Quốc đã đủ để Việt Nam góp mặt ở trận tranh HCĐ. Đáng tiếc chúng ta chưa có được niềm vui huy chương do thua chủ nhà Kazakhstan tại trận cuối cùng nhưng việc thắng cả 2 đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc (với đội hình có nhiều tuyển thủ vừa dự Olympic 2012) thì đó đã là một kỳ tích.

Chỉ hơi đáng tiếc, ở lần bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc 2012 tổ chức vào cuối năm, bóng chuyền nữ không có gương mặt nào được đề cử vào danh sách bầu chọn. Trong khi đó, đội nam kết thúc giải các CLB châu Á 2012 ở vị trí hạng 7 chung cuộc.

NGƯỜI CŨ TRỞ LẠI

Sau nhiều năm phải chơi ở hạng dưới, đội bóng chuyền nam Công an TPHCM chính thức thăng hạng để góp mặt tại giải bóng chuyền VĐQG 2013. Với đội bóng này, những “người quen cũ” khác của giải cũng thăng hạng là nam Vĩnh Long, nữ Giấy Bãi Bằng, nữ Tân Bình - TPHCM. 2012 là năm đáng quên đối với bóng chuyền quân đội nói riêng. Kết thúc giải VĐQG 2012, bóng chuyền quân đội có tới 3 đội bị rớt hạng là Phòng không Không quân (nữ); Quân khu 5, Quân khu 9 (nam).

NHIỀU CUỘC CHIA TAY

Nhìn lại cả mùa giải 2012, đã có rất nhiều cái tên thay đổi CLB. Gương mặt được chú ý nhất là Phạm Kim Huệ. Phụ công này đã rời CLB cũ Thông tin Lienvietpostbank để gia nhập đội bóng chuyền nữ Hà Nội tại hạng A. Tuy nhiên, Huệ vẫn tiếp tục góp mặt ở giải VĐQG khi được mời đánh thuê cho Ngân hàng Công Thương. Chủ công Bùi Thị Huệ (PVD Thái Bình) nghỉ không thi đấu. Phụ công Huỳnh Văn Tuấn, chuyền 2 Trần Thanh Tùng chuyển nhượng từ Long An về Maseco TPHCM. Libero Kim Liên nghỉ không thi đấu cho VTV Bình Điền Long An. Chuyền 2 Phạm Minh Dũng chia tay Biên phòng trở lại Thể Công-BĐ 15…

CHƯA CÓ TTK MỚI

Dù đã có thông báo xin rút khỏi vị trí Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam từ ông Trần Đức Phấn, tuy nhiên, qua 1 năm, VFV chưa thể tìm được nhân sự thay thế. Có thể thấy, cũng như bóng bàn hay một số môn thể thao khác tại Việt Nam thì bóng chuyền đang có những nhân sự quản lý quá… ưu việt khiến khó thể thay thế. 

Minh Chiến

Tin cùng chuyên mục