1. Với nhiều thành viên thâm niên của thể thao Việt Nam, so với kỳ tổ chức đầu tiên 19 năm trước, có lẽ bây giờ sự bỡ ngỡ hay lo lắng đã hết, nhưng tâm trạng hồi hộp thì chắc cũng không khác trước là bao.
SEA Games 31 sẽ là cơ hội để lần thứ 2 trong lịch sử, thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn nhờ lợi thế sân nhà. Về chuyên môn thì không đáng ngại, vì chúng ta đã tiến một bước rất dài về năng lực và đẳng cấp trong 2 thập niên qua để trở thành một trong 2 đoàn thể thao mạnh nhất khu vực. Tuy nhiên, SEA Games 31 mang mục tiêu kép: số 1 toàn đoàn và phải thành công một cách thực chất.
Thách thức lớn nhất của SEA Games 31 chính là những khó khăn mà dịch Covid-19 mang đến. Hà Nội là nơi tổ chức chính với 18 môn thi đấu diễn ra trên 15 địa điểm, cũng chỉ vừa mới trải qua 5 tháng chống dịch căng thẳng. Dù không xây dựng mới, nhưng ngay tiến độ cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất cũ vẫn phải liên tục kéo dài thời gian do tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch cũng như tiến độ giải ngân.
Tại cuộc họp mới nhất của Ban chỉ đạo quốc gia SEA Games 31 vào chiều 22-4, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo Vũ Đức Đam đã chỉ đạo hướng tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong công tác chuẩn bị và hậu cần của SEA Games 31; khâu chuẩn bị lễ khai mạc, bế mạc; điều phối phương tiện vận tải phục vụ các đoàn thể thao; việc chậm tiến độ của một số hạng mục cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ thi đấu; quy trình phòng chống dịch bệnh tại các điểm thi đấu, xử lý tình huống vận động viên, huấn luyện viên bị mắc Covid-19...
2. SEA Games 31 sẽ bắt đầu với nội dung bóng đá nam diễn ra từ ngày 6-5, sau đó sẽ là khung thời gian thi đấu chính thức từ ngày 12 đến 23-5. Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tranh tài đầy đủ ở 40 môn. Đáng chú ý, một số môn tham gia theo phương thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, như: E-Sports, bowling, 3 môn phối hợp, billiard và snooker, bóng rổ 3x3, 5x5...
Tại SEA Games 30, Việt Nam xếp trên Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương toàn đoàn với khoảng cách 6 HCV. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm được điều này khi không thi đấu trên sân nhà. Chính vì vậy, ngôi số 1 toàn đoàn sẽ là mục tiêu bắt buộc. Điền kinh được chờ đợi sẽ đóng góp số lượng HCV lớn nhất cho Việt Nam, giữ vững vị thế số 1 mà chúng ta đã có trong 2 đại hội gần nhất. Hy vọng vẫn tiếp tục đặt lên những “tượng đài” như Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Trần Nhật Hoàng… Nếu chơi đúng sức, đội tuyển điền kinh Việt Nam dự báo có thể giành hơn 15 HCV.
Trong khi đó, sự vắng mặt của “siêu kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên khiến bơi lội Việt Nam năm nay được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, rất khó lặp lại thành tích HCV như 3 kỳ trước, do chỉ riêng Ánh Viên đã chiếm hơn 2/3 số HCV của bơi lội Việt Nam tại SEA Games.
Thay cho vai trò của bơi lội, không khó để nhận ra tại SEA Games 31, các môn võ Việt Nam đang chiếm ưu thế rất lớn. Đây sẽ là “mỏ vàng” của đoàn thể thao Việt Nam, đặc biệt là khi đội Vovinam với 27 VĐV dự kiến tranh tài có thể “gom” cho đoàn thể thao Việt Nam rất nhiều HCV nếu chúng ta chơi hết khả năng.
3. Có thể nói, đến thời điểm này, Hà Nội và các địa phương tổ chức SEA Games đã dành tất cả những gì tốt nhất để tổ chức SEA Games 31 được thành công. Theo đánh giá từ đoàn khảo sát của Hội đồng thể thao Đông Nam Á cũng như giới truyền thông khu vực thì SEA Games 31 là minh chứng rõ nét nhất cho sự trở lại của một Đông Nam Á “bình thường mới”.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp mới nhất với các địa phương cũng nhắc đến mục tiêu: SEA Games 31 là dịp để khẳng định, nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, con người Việt Nam trong khu vực, giới thiệu nét văn minh, thanh lịch, hào hoa của Hà Nội cũng như cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa của từng địa phương chung tay chia sẻ trách nhiệm với thủ đô.
Sao la là linh vật của SEA Games 31 Khẩu hiệu của SEA Games 31 P.NGUYỄN tổng hợp |