Người ghê tởm những màn khởi động
Bên dưới cầu thang bộ, hơn chục cầu thủ Juventus đã tụ tập. Trong khi trên thang cuốn, nơi rõ ràng chỉ dành cho những kẻ lười biếng, chỉ còn độc nhất một người. Khi ấy là một tiếng đồng hồ trước trận Chung kết Champions League mùa 2014-2015 với Barcelona, các cầu thủ Juve di chuyển ra khỏi đường hầm, rồi bước những bậc thang cuối cùng lên sân đấu Olympiastadion, trong buổi tối quan trọng nhất mùa giải.
Họ bước ra thảm cỏ, lịch sự vỗ tay chào các CĐV, rồi lập tức khởi động làm nóng. Tiền đạo 22 tuổi Alvaro Morata dẫn đầu toàn đội, làm dấu thánh trước khi vụt chạy trên sân, đổi hướng liên tục để rũ bỏ bớt áp lực kinh khủng đang đè nặng. Theo sát anh là Carlos Tevez, người đá cặp vốn mắc chứng rối loạn vận động nên không thể đứng yên dù chỉ một giây. Ở phía sau, 6 cầu thủ khác cũng bắt đầu nhập cuộc, vừa bước đi vừa vung vẩy tay chân và co duỗi cơ bắp.
Cũng chỉ duy nhất một cầu thủ lười biếng không thèm khởi động. Ánh mắt ẩn sau mái tóc nâu, dày của anhgắn chặt vào quả bóng cách đó khoảng 20 bước. Và trong khi các đồng đội đang chạy ngày càng nhanh, làm nóng với những động tác ngày càng nặng hơn, thì anh vẫn bước lững thững theo quả bóng. Mãi đến lúc HLV thể lực Simone Folletti bước vào sân yêu cầu toàn đội tăng cường độ, thì cầu thủ này mới bắt đầu nhún nhún vài động tác lấy lệ, trong khi mắt vẫn không ngừng dán vào quả bóng. Anh là Andrea Pirlo, người rất ghét những màn khởi động.
“Với tôi, khởi động là một việc đáng ghê tởm.Đó chỉ là trò tự sướng của các HLV thể lực và tôi thường phải tìm trò gì giải khuây để đỡ chán trong 15 phút trước trận ấy”, anh viết trong cuốn tự truyện I Think Therefore I Play hồi năm 2014.
Chính thái độ muốn “ăn tươi nuốt sống” bóng đá ấy đã giúp Pirlo giành được hàng loạt danh hiệu lớn trong sự nghiệp, bao gồm cả cúp vàng World Cup vào năm 2016, và hai cúp bạc Champions League vào các năm 2003, 2007. Ít ai biết rằng, thái độ đó đã được Pirlo thể hiện ngay từ khi còn rất nhỏ.
Lãng tử trong những thời khắc kinh hoàng nhất
Hành trình vinh quang đã đi vào những trang sách của Pirlo khởi đầu ở một thị trấn nhỏ bé mang tên Hjorring ở miền Bắc Đan Mạch. Đó là năm 1992, khi Hjorring tổ chức giải giao hữu Dana Cup quy tụ đến 25 nghìn cầu thủ từ U12 trở lên từ khắp châu Âu đến tranh tài.
Năm đó, HLV Roberto Clerici dẫn đội U15 của Voluntas, một CLB nghiệp dư ở thành phố Brescia, Bắc Italia đến dự giải. Đội trưởng được Clerici chọn thời điểm ấy chính là Pirlo, khi đó mới 13 tuổi, chỉ nặng hơn 30kg và nhỏ hơn 2 tuổi so với hầu hết các đồng đội và đối thủ. Vậy mà cậu đã biết cách úy lạo tinh thần đội ngũ như thế này: “Đây không phải một chuyến đi chơi bình thường của trường. Chúng ta đến đây để giành chiến thắng, nên các bạn cần thể hiện tốt hơn”.
Để tiến vào được trận bán kết, nơi Voluntas sau cùng để thua và bị loại ở giải năm ấy, họ đã phải vượt qua một loạt đấu súng nghẹt thở ở tứ kết. Khi đó, Pirlo được giao đá quả luân lưu cuối cùng, và anh đã làm một điều rất quen thuộc ở ngay giữa ranh giới của thành và bại.
“Nếu uống café phin trong cầu trường lúc đó, bạn sẽ nghe thấy cả tiếng giọt café rơi. Bởi ở quả luân lưu cuối cùng ấy, cậu ấy đã cầm quả bóng, đi từ từ đến điểm đá phạt, chậm rãi chạy đà, rồi mới đá… kiểu panelka! Chúng tôi đã nín thở suýt chết khi nhìn bóng bay từ từ vào lưới. Andrea là như thế, ngay cả lúc đó cũng không thèm nghe ai. Tôi còn nhớ rất rõ khuôn mặt cậu ấy khi đó, không khác gì so với lúc thực hiện quả penalka vào lưới tuyển Anh ở EURO 2012”, Clerici kể lại.
“Cậu ấy nhận thức rất rõ tài năng của mình ngay ở độ tuổi ấy. Đôi khi, Andrea tỏa sáng quá mức với khả năng chuyền bóng của mình khiến tôi phấn khích đến nổi… tét vào mông của cậu ấy. Andrea không thường phạm lỗi vì không muốn ảnh hưởng đến việc người khác chơi bóng. Thay vì phạm lỗi, cậu ấy chọn cách làm những việc khó nhất để hướng đến chiến thắng. Ngày ấy, gia đình Pirlo dư dả về tài chính nên cậu ấy không phải chịu bất cứ áp lực và động cơ tiền bạc gì với bóng đá. Chính điều đó, theo tôi nghĩ, đã hình thành nên tâm lý thoải mái và phong cách tài tử của cậu ấy trên sân cỏ”, ông khẳng định.
(Còn tiếp)