Sau 7 năm trời đảm nhận cương vị “thuyền trưởng” của CLB CSKA Moskva, cuối cùng thì HLV Leonid Slutsky đã buộc phải rời khỏi đội bóng Quân đội vì thành tích quá tệ hại trong giai đoạn nửa đầu mùa giải năm nay, ở cả Russian Premier League (RPL) lẫn đấu trường quốc tế UEFA Champions League, mà giọt nước tràn ly chính là trận thua Tottenham Hotspur 1-3 tại sân Wembley. Với trận thua này, CSKA đã kết thúc vòng bảng Champions League mà… không giành được 1 trận thắng nào, họ chỉ có được 3 trận hòa và để thua 3 trận trước những đối thủ Tottenham, Bayer Levekusen, AS Monaco.
HLV Slutsky bị sa thải vào ngày 7-12 năm ngoái, đến ngày 12-12, cựu trợ lý của ông là Viktor Goncharenko (ở thời điểm đó đang làm HLV trưởng của CLB Ufa) đã được bổ nhiệm làm người thay thế. Trước mắt của nhà cầm quân 30 tuổi người Belarus là cả một bầu trời đầy thách thức và khó khăn. Ông tiếp quản chiếc ghế nóng khi CSKA không còn cơ hội ở đấu trường châu Âu, trong lúc đó, ở giải quốc nội RPL, đội bóng này lại đang bị đại kình địch cùng thành phố là Spartak Moskva bỏ khá xa trên bảng điểm xếp hạng. Cả một núi công việc khổng lồ đang chờ đón Goncharenko trong giai đoạn tháng 12 năm ngoái và tháng 1 đầu năm nay.
![]() |
HLV Viktor Goncharenko (phải)
Slutsky từng là một biểu tượng thành công của CSKA. Dưới sự dẫn dắt của vị HLV 45 tuổi dày dạn kinh nghiệm này, CSKA đã giành 3 ngôi vô địch RPL (trong các mùa giải 2012-2013, 2013-2014, và ngay mùa giải năm ngoái 2015-2016), thắng 2 chiếc Cúp Quốc gia (trong các mùa giải 2010-2011 và 2012-2013), đồng thời thắng luôn 2 chiếc Siêu cúp Nga (năm 2013 và 2014). Ở đấu trường châu Âu, ông cũng đã đưa CSKA lọt đến tứ kết Champions League ngay ở mùa đầu tiên dẫn dắt đội bóng, một thành tích mà chưa một đội bóng Nga nào đạt được. Trong suốt thời gian Slutsky “cầm cương” CSKA, Lokomotiv Moskva và Dinamo Moksva đã thay đổi 8 HLV khác nhau, chứng tỏ, suốt từ năm 2009 đến nay, CSKA luôn ổn định dưới thời của Slutsky.
Nhưng cái gì cũng có quá trình của nó. Triết lý của Slutsky trở nên khá cũ kỹ. đội bóng thiếu động lực mạnh mẽ sau khi đăng quang RPL ở mùa giải trước. Họ đã chơi khởi đầu rất chậm chạp ở mùa giải năm nay và chơi rất kinh khủng ở đấu trường châu Âu. Đó là lý do Slutsky phải ra đi, nhường chỗ cho một người trẻ như là Goncharennko đảm nhiệm đội bóng có biệt danh là Armeytsys (nghĩa tiếng Việt là Quân nhân).
Băng ghế huấn luyện không phải là thứ duy nhất “cũ kỹ” ở CSKA. Cả một đội hình gồm thủ thành Akinfeev, anh em nhà Berezutsky, hậu vệ Ignashevich và tiền vệ công Dzagoev, cả những “lính lê dương” như Mario Fernandes, Pontus Wernbloom và Zoran Tosic… đều là những cầu thủ sắp “hết đát”. Đồng ý họ là những chiến binh thực thụ dưới triều đại của Slutsky và việc ông này thường xuyên sử dụng họ như là một nhóm “nhỏ quân tinh nhuệ” trong một đội hình bất biến là điều tốt trong quá khứ vì nó mang tính ổn định, tuy vậy, nó biến họ trở nên cũ kỹ, xơ cứng và khi tuổi tác đến, họ trở thành một gánh nặng thiếu nhựa sống. Akinfeev vẫn đang nối dài những ngày tháng luôn luôn thủng lưới ở đấu trường châu Âu. Anh em nhà Berezutsky và Ignashevich cộng lại đã… 105 tuổi. Những cầu thủ khác đầu thuộc hàng băm. Nhân tố trẻ trung ở đâu? Thực chất, Slutsky đã để lại cả một bãi phế liệu mà ông từng tận dụng đến từng phân tử nhỏ nhất.
Là một HLV trẻ trung (Goncharenko từng trở thành HLV trẻ tuổi nhất dẫn dắt một đội bóng vào đến vòng đấu bảng Champions League, đó là khi ông đưa BATE Borisov của Belarus đối đầu với Real Madrid vào ngày 17-9-2008, khi đó ông mới 31 tuổi), Goncharenko cũng có những quyết sách trẻ trung. Ông tin dùng những cầu thủ trẻ, ông dần đưa Aleksandr Golovin (năm nay mới 20 tuổi) vào kế hoạch chung của toàn đội, biến anh này thành một gương mặt quen thuộc trong đội hình xuất phát. Giới thiệu gương mặt trẻ 18 tuổi Fyodor Chalov. Ông cũng lên kế hoạch đưa một số cầu thủ trẻ của Học viện lên đội 1, bồi dưỡng họ thành những trụ cột trong tương lai. Đây là điều rất quan trọng, vì xét cho cùng, CSKA không có đủ nguồn lực tài chính để ký hợp đồng với những ngôi sao ngoại quốc (ở thị trường chuyển nhượng mùa hè năm ngoái, điều này đã được thể hiện rất rõ), họ cần sử dụng nội lực của chính mình.
Xây dựng lại mối quan hệ, hình ảnh của đội bóng, của nhà cầm quân với giới CĐV cũng là điều mà Goncharenko trẻ trung nên lưu tâm. Sau khi trận đấu với Tottenham khép lại, Slutsky đã lao lên khán đài định ẩu đả với một CĐV CSKA vì anh này đã chỉ trích ông trong suốt thời gian trận đấu diễn ra. Nếu không có người khác can ngăn, đó sẽ là một hình ảnh rất xấu xí. Sau đó, trước khi rời khán đài, Slutsky đã chỉ trích những CĐV khác, những người không quản ngại xa xôi đến London ủng hộ cho đội bóng. Thành tích kém cỏi ở đấu trường châu Âu khiến Slutsky thường xuyên áp dụng đội hình phòng thủ tiêu cực, với chỉ 1 trung phong, điều đó làm các CĐV không hài lòng, họ gọi ông là hèn nhát.
Hồi tháng 10 năm nay, ông lại xuất hiện trong một quảng cáo cho một Trung tâm văn hóa Do thái ở Moskva, điều này khiến các CĐV cực đoan của CLB, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bài người nước ngoài phản ứng đòi “lấy đầu” của ông, họ viện dẫn lý do đội bóng chơi tệ trong mùa này là vì những hành động không liên quan như thế này. Hệ quả, CĐV bắt đầu không đến sân xem CSKA thi đấu, kể từ trận đấu với Krasnodar (mới chỉ là trận đấu thứ 2 ở sân mới Arena CSKA) hôm 24-9 năm ngoái, CĐV Moskva đến xem đội nhà thi đấu không bao giờ vượt quá 10 ngàn người.
Concharenko cần phải chấm dứt những mâu thuẫn này, thu hút CĐV quay trở lại với ngôi nhà mới, mang lại lối chơi giải trí, tấn công và quyến rũ đầy tươi tắn với sự hiện diện của những tài năng bản địa. Liệu chiếc áo Đỏ – Xanh có là quá khổ? Liệu đó có phải là một nhiệm vụ bất khả thi với Goncharenko? Hãy cùng chờ xem!
KHOA ĐẶNG