Góc nhìn pháp lý từ vụ HA.GL kiện VPF

Sau khi HAGL có đơn khởi kiện VPF đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền, nhiều người đặt dấu hỏi về tính pháp lý của vụ kiện. Liệu mục đích của Công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai trong phi vụ “kiện ngược” này là gì? Và dưới góc nhìn pháp lý thì việc VPF yêu cầu HA.GL chấm dứt vi phạm liên quan đến quảng bá ngành hàng nước tăng lực có phải là hành vi vi phạm Luật cạnh tranh?
Trận đấu giữa HA.GL và Hà Tĩnh trên sân Pleiku. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trận đấu giữa HA.GL và Hà Tĩnh trên sân Pleiku. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Mới đây, Chủ tịch HA.GL Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ kiện VPF ra tòa. Và thực tế HA.GL đã làm thật. Lý giải cho điều này, Chủ tịch CLB Phố Núi cho rằng: “HA.GL sẵn sàng đối đầu với VPF trong vụ kiện này. Chúng tôi kiện không phải vì HA.GL cần tiền bồi thường mà vì 14 đội bóng dự V-League”, bầu Đức nhấn mạnh.

Câu chuyện của Bầu Đức không đại diện cho 14 đội bóng

Tuy nhiên, để tránh đưa những người không liên quan vào cuộc, cần nhìn nhận một cách sòng phẳng rằng, đây chỉ là câu chuyện giữa HA.GL với VPF chứ không phải với 14 đội dự V-League. Bởi Bầu Đức không đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của 14 đội bóng, cũng không được 14 đội bóng ủy quyền nên không thể nhân danh tất cả.

Trở lại câu chuyện Công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai (HA.GL) kiện Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), tại sao tôi lại nói đây là một vụ “kiện ngược”. Bởi mới đây thôi, chính HA.GL – CLB được cho là đã có hành vi vi phạm Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Điều lệ giải (do VPF ban hành) đã có công văn đề nghị VPF xem xét để cho Nhà tài trợ của đội bóng này được giữ logo nhà tài trợ trên trang phục thi đấu, trên bảng led; được tổ chức hoạt động phát thử sản phẩm ở phạm vi bên ngoài sân Pleiku; được bố trí một phòng riêng (ngoài khu vực VIP, phòng họp báo...) để đón tiếp khách và có thể sử dụng sản phẩm của nhà tài trợ.

Và VPF, trên tinh thần vì cái chung đã chấp thuận một số đề nghị trên, tạo điều kiện tháo gỡ để CLB HA.GL kịp thời bước vào mùa giải mới. Nhưng sau tất cả, HA.GL vẫn kiện VPF như thể chính HA.GL đang là “nạn nhân” của những vi phạm quy chế, điều lệ Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Night Wolf 2023 vậy.

VPF bảo vệ quyền lợi nhà tài trợ chính là phản ứng đúng đắn

Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp, vào đầu mỗi mùa giải, phía đơn vị tổ chức sẽ thông tin cho các CLB về ngành hàng sẽ tài trợ chính, phạm vi tài trợ nhằm giúp các CLB đàm phán hợp đồng tài trợ riêng lẻ. Hợp đồng giữa VPF ký với nhà tài trợ Night Wolf (Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh) từ mùa trước với thời hạn 3 năm và có điều khoản độc quyền quảng bá ngành hàng nước tăng lực. Việc này đã được VPF chủ động thông báo đến các CLB từ tháng 2/2022. Dĩ nhiên, năm 2023 các CLB đều nắm rõ và chủ động lên kế hoạch mời gọi nhà tài trợ phù hợp.

Với sự nỗ lực, cố gắng giữa các bên, V-League 2023 đã kịp diễn ra đúng tiến độ với sự tham dự của 14 CLB. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Với sự nỗ lực, cố gắng giữa các bên, V-League 2023 đã kịp diễn ra đúng tiến độ với sự tham dự của 14 CLB. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo Điều lệ Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Night Wolf 2023 (V-League 2023) mà VPF công bố có quy định: Nhà tài trợ chính được quyền quảng bá độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến Giải. Các CLB không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính kể từ ngày Điều lệ Giải ban hành hoặc khi có Thông báo chính thức từ Công ty VPF.

Điều lệ V-League 2023 được thông qua bởi các CLB tham dự giải và ngay cả thời điểm chuẩn bị mùa giải thì VPF cũng có trách nhiệm tổ chức hội thảo để các CLB phản biện, có ý kiến về điều lệ giải. Thực tế, không có CLB nào phản đối quy định về quyền quảng bá độc quyền của Nhà tài trợ chính của giải đấu, trong đó có cả CLB Hoàng Anh Gia Lai.

Nói như vậy để thấy rằng, việc Nhà tài trợ chính được quảng bá hình ảnh độc quyền tại Giải bóng đá Vô địch Quốc gia là một điều khoản thông thường trong hợp đồng của VPF với nhà tài trợ. Điều khoản này phù hợp với Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và không trái pháp luật nên các bên có quyền và nghĩa vụ tuân thủ các điều khoản đã ký kết.

VPF khi thấy CLB HA.GL khai thác quảng cáo ngành hàng vi phạm điều khoản hợp đồng với Nhà tài trợ chính của giải đấu, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhà tài trợ nên đã có văn bản đề nghị HA.GL chấm dứt vi phạm là hành động đúng với trách nhiệm của mình. Ở những Giải bóng đá lớn thuộc khuôn khổ UEFA và FIFA, thậm chí họ còn có những chiến lược để bảo vệ các nhà tài trợ độc quyền. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng khi Nhà tài trợ bỏ ra một giá trị lớn để tài trợ cho giải đấu, họ phải có các điều khoản hoặc cơ chế mang tính bảo vệ thương hiệu.

Việc Công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai biết rõ VPF đã ký Hợp đồng với nhà tài trợ, trong đó có điều khoản độc quyền quảng bá ngành hàng nước tăng lực nhưng vẫn “phớt lờ” ký hợp đồng và quảng cáo nước tăng lực Carabao cho thấy HA.GL chưa tôn trọng Luật chơi chung mà các bên đã thống nhất đề ra.

Ngay cả việc khi VPF công bố dự thảo điều lệ và lấy ý kiến dân chủ đối với các CLB cổ đông, HA.GL vẫn không có ý kiến phản đối nào khác. Khi VPF phát hiện HA.GL vi phạm điều lệ giải thì CLB này lại phản ứng một cách tiêu cực, đổ thừa cho điều lệ giải không phù hợp. Cách ứng xử như vậy cho thấy HAGL tiền hậu bất nhất. Chính điều đó đã góp phần đưa đẩy các bên vào những tranh chấp không đáng có.

Tin cùng chuyên mục