Khởi đầu bằng sự thành công của lứa U19 học viện HA.GL từ năm 2013. Sau đó đã tạo tiền đề cho những lò khác như PVF, Viettel, Hà Nội... tiếp bước để có được sản phẩm chất lượng góp mặt tại VCK U20 World Cup 2017 và năm đại cát 2018. Sự thành công của lứa cầu thủ mà ta thường ví là "thế hệ vàng" ấy cũng là áp lực cho các tuyến kế thừa.
Có nhiều nguyên nhân mà lứa U.19 hiện nay chưa bằng các đàn anh. Ngoài việc những tài năng đã cùng định hình trong một thời điểm, thế hệ của học viện HA.GL có lợi thế khi được bầu Đức nâng cả khóa tung vào V-League khi chỉ ở tuổi 21-22. Tương tự là Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh... được bầu Hiển chăm chút chu đáo ở vào thời kỳ CLB Hà Nội được ví như "dream team". Từ những điều kiện thuận lợi như vậy, bộ khung này đã có thêm cơ hội để phát triển.
Từ thành công đó, chiến lược mà VFF và ông Park Hang-seo đang xây dựng là đầu tư mạnh cho thế hệ vàng này ở vòng loại World Cup 2022 hay sân chơi châu Á trong những năm tới là phù hợp. Bên cạnh đó là một chiến lược có chiều sâu ở các tuyến kế cận.
Những thất bại của các đội U15, U17, U22 ở giải Đông Nam Á là lời nhắc nhở cho chúng ta khi cần chăm chút hơn ở các lò đào tạo, "giữ lửa" cho các ông bầu, lên kế hoạch lộ trình cụ thể để phát triển bóng đá trẻ. Hiện tại chúng ta đang có các giải trẻ U15 đến U21, sắp tới cần tạo thêm cơ hội cho các cầu thủ trẻ tiếp cận với giải hạng Nhất, V-League để tích lũy kinh nghiệm.
Trong phát biểu mới đây, ông Park đã nêu 1 trong những hạn chế cho sự phát triển của các tiền đạo ngoại là hầu hết các CLB ở V-League ưu tiên sử dụng tiền đạo ngoại, điều đó hạn chế nhiều cho các tiền đạo trẻ trong nước có cơ hội cọ sát mà trường hợp Đức Chinh là minh chứng.
Đó cũng là bài toán trong nhiều năm qua mà chúng ta chưa thể dung hòa. Bởi thực tế là có mấy đội thực lực dồi dào như CLB Hà Nội đâu. Nên việc cầu thủ trong nước, nhất là cầu thủ trẻ lại càng hẹp cửa cạnh tranh và vô tình không duy trì được phong độ của mình.