Hãy lấy đội hình xuất phát của Việt Nam trong trận bán kết lượt về (với Thái Lan) làm dẫn chứng: 5 cầu thủ HA.GL, 4 cầu thủ đến từ Viettel và 2 người còn lại là của CLB Hà Nội. Về lý thuyết, đó là 3 CLB mạnh nhất Việt Nam và việc chọn họ đương nhiên là vì cầu thủ của họ cũng xứng đáng giữ vị trí chủ chốt tại đội tuyển. Trong khi đó, 3 cầu thủ thường xuyên lĩnh xướng hàng tấn công từ hồi tháng 6 đến nay là Tiến Linh - Công Phượng - Văn Đức cũng chính là các cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất trước khi V-League 2021 dừng lại. Không chọn họ thì chọn ai?
Mọi thứ sẽ rất khác nếu V-League vẫn diễn ra như mọi khi. Lúc đó, các ý kiến góp ý hay phản biện về việc sử dụng nhân sự của HLV Park Hang-seo sẽ có những cơ sở chắc chắn hơn. Vấn đề là không có thước đo V-League, bất kỳ cầu thủ nào được đề cử cũng sẽ chỉ được thể hiện năng lực thông qua các buổi tập triền miên kể từ tháng 6 đến nay.
Mà nếu chỉ là tập “chay” như vậy, thì rất khó cho các tân binh khẳng định bản thân so với những người cũ. Các HLV thông thường sẽ phải quay về với các lựa chọn an toàn. Chúng ta có thể trách HLV Park Hang-seo bảo thủ trong cách dùng người, nhưng về lý thuyết thì ông không sai.
Đây là lý do mà các giải đấu hàng đầu thế giới không bao giờ bàn đến chuyện hủy bỏ vì dịch Covid-19. Đó không phải là phương án, mà là việc cuối cùng phải làm nếu chẳng còn phương án nào khả thi. Như tại Anh hiện nay, các nhà điều hành những giải đấu như ngoại hạng, Cúp FA hay thậm chí là Cúp Liên đoàn Anh phải “vận dụng” đến luật bóng đá để hạn chế đến mức thấp nhất việc hủy bỏ trận đấu. Cứ đủ 14 hoặc 17 người (tùy vào quy định số lượng thay người mỗi giải), thì cứ “a-lê-hấp” ra sân.
Trở lại với Việt Nam, mùa giải 2022 đã tiến hành bốc thăm lịch thi đấu, tỏ rõ quyết tâm của những nhà điều hành, cho dù tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhưng rõ ràng là V-League phải trở lại càng sớm càng tốt và buộc phải có phương án bảo đảm cho giải đấu này được vận hành đầy đủ, đúng kế hoạch.
Một thời gian, người hâm mộ có xu hướng quan tâm đến đội tuyển nhiều hơn V-League. Giải đấu này từng nhiều lần “hy sinh” để dồn sức cho đội tuyển. Nhưng những gì xảy ra ở AFF Cup 2020 đã chứng minh: Dù tốt hay xấu, vai trò của V-League không thể thay đổi. Không có một nền bóng đá nào muốn phát triển đẳng cấp mà chỉ dựa trên một nhóm cầu thủ đóng khung trong một tư duy chiến thuật suốt nhiều năm trời.
Có một chút may mắn cho tiến trình làm tươi mới đội tuyển, nếu dựa trên kế hoạch thi đấu trong năm 2022. HLV Park Hang-seo sẽ có 4 trận đấu ở vòng loại World Cup không còn chịu quá nhiều áp lực thua trận, đó chính là nơi để ông Park “mài giũa” các tân binh V-League. Kế đến, SEA Games 31, VCK U23 châu Á và Asiad 2022 sẽ là 3 đợt sàng lọc về đẳng cấp chơi bóng của các cầu thủ U23. Chừng đó đã đủ thời gian để HLV Park tạo ra một đội ngũ mới trước AFF Cup 2022.