Các cuộc đấu tiếp tục tranh tài trong sáng và chiều 10-12 trên SVĐ Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), với một sự chú ý đáng kể là việc Nguyễn Thị Oanh tiếp tục vô địch cự ly 5000m nữ. Chung kết nội dung của năm nay có 18 VĐV góp mặt và Nguyễn Thị Oanh đã thể hiện bản lĩnh tốt để về nhất với thành tích 15’53”48 qua đó phá kỷ lục quốc gia. Kỷ lục cũ tồn tại 18 năm trước do cựu tuyển thủ Đoàn Nữ Trúc Vân (Khánh Hòa) thiết lập ở năm 2003 (16’12”73).
Tại chung kết nội dung 5000m nữ, một kết quả đáng ghi nhận khác thuộc về cựu tuyển thủ quốc gia Phạm Thị Huệ (Quảng Ninh) khi cô đạt kết quả 17’12”84 và giành HCĐ. Huệ đã nghỉ thi đấu hơn 1 năm qua và không còn ở đội tuyển quốc gia khi làm thiên chức người mẹ nhưng giờ cô trở lại thi đấu. HCB của đường chạy là gương mặt Phạm Thị Hồng Lệ (Quảng Bình – 16’35”50).
Tuy vậy, đội điền kinh Hà Nội vẫn có niềm vui ở đường chạy 1500m nam khi Trần Văn Đảng (hiện đang là tuyển thủ quốc gia) đã giành HCV cho chủ nhà với kết quả xếp nhất 3’54”98. Tại chung kết 1500m nam, Dương Văn Thái của Nam Định chỉ có HCĐ khi về hạng 3 3’56”49 trong khi Giang Văn Dũng (Hà Nội) đoạt HCB với kết quả 3’55”65.
Ở ngày thi đấu thứ 2, điền kinh TPHCM góp mặt ở các nội dung chung kết tiếp sức 4x100m nam, 4x100m nữ và 4x100m hỗn hợp nam-nữ. Khi Lê Tú Chinh không tham dự nội dung này, đội tiếp sức nữ 4x100m của điền kinh TPHCM không còn ở vị trí độc tôn số 1. Đội nữ TPHCM chỉ về nhì, giành HCB với đội hình Phương Anh/Mộng Tuyền/Hà Thị Thu/Kim Phụng bằng kết quả 47”04 trong khi về nhất nội dung là nữ Quân đội (46”70).
Đường chạy 400m nữ tiếp tục chứng kiến Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) giành thêm ngôi vô địch khi cô về đích với thông số 53”28. Các tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội) và Hoàng Thị Ngọc (Quảng Bình) lần lượt giành HCB, HCĐ ở những vị trí sau. Trong khi đó, Quách Công Lịch không thi đấu 400m nam nên Trần Nhật Hoàng (Khánh Hòa) về nhất với kết quả 46”96 còn HCB thuộc về Lê Ngọc Phúc (Hà Tĩnh) và HCĐ là Lương Văn Thao (Thanh Hóa).