Mặc dù vừa có được nhà tài trợ cam kết đồng hành, thế nhưng đội bóng chuyền nữ TPHCM không kịp tìm kiếm và bổ sung lực lượng có chiều sâu để cạnh tranh tấm vé ở lại với giải đấu cao nhất của làng bóng chuyền nữ Việt Nam. Thất bại 0-3 trước Binh chủng Thông tin ở lượt đấu cuối cùng tại bảng C nữ đã đồng nghĩa là lời chia tay của cô trò HLV Trần Hiền đối với giải Vô địch quốc gia, sân chơi mà họ mới trở lại được vỏn vẹn 1 mùa. Tính xuyên suốt cả 2 vòng đấu, đội nữ TPHCM không giành được chiến thắng nào, ngay cả khi đội được tăng cường mũi tấn công từ CH Dominica là Gina Mambru.
Nhưng đáng tiếc hơn cả là cú trượt dài của câu lạc bộ nam TPHCM, nhà vô địch quốc gia các mùa 2015, 2018 và 2019. Thậm chí, năm ngoái, thầy trò HLV Nguyễn Văn Hòa còn giành được HCĐ tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 ở Quảng Ninh. Nhưng giờ đây, việc không có được nguồn lực tài chính bền vững, cộng với lực lượng biến động mạnh, khi nhiều vận động viên trụ cột như Nguyễn Thanh Hari, Nguyễn Văn Hạnh rời đi, khiến đội nam TPHCM không còn duy trì được hình ảnh của một “thế lực” ở sân chơi vô địch quốc gia như thường thấy.
Theo nhận định của giới làm nghề, dù rớt hạng nhưng khả năng trở lại giải vô địch quốc gia ngay mùa giải tới của câu lạc bộ nam TPHCM vẫn rất lớn. Song, điều mà giới làm nghề bóng chuyền TPHCM quan tâm chính là dấu ấn mờ nhạt của Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM có được cải thiện, nhất là trong việc vận động, tìm kiếm nguồn tài trợ để giúp câu lạc bộ hoạt động ổn định, tạo tiền đề cho bước phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Đại diện tiếp theo của làng bóng chuyền phía Nam là VLXD Bình Dương cũng nói lời chia tay với giải vô địch quốc gia năm nay, do cũng không thể giải được bài toán kinh phí, thiếu nguồn lực đầu tư bền vững. Thầy trò HLV Dương Tấn Vinh đã trụ lại sân chơi cao nhất này 4 mùa, vậy mà luôn quay quắt trong cảnh “thiếu trước, hụt sau” về kinh phí, nên có muốn đi xa kể ra cũng khó. Bóng chuyền Bình Dương có tiềm năng, nhưng chưa được quan tâm và chắp cánh để bay cao hơn nữa.